Sau 4 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, TP Cần Thơ nói chung và các địa phương nói riêng đã có sự chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Kết quả từ thực tiễn cho thấy song hành cùng với sự đúng đắn, sát hợp của các chủ trương, đường lối đề ra trong nghị quyết đại hội đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025) là sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự quyết liệt trong điều hành của chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong thực hiện nghị quyết của Đảng.
Sau khi thu hoạch vườn sầu riêng rộng 3ha, thu huê lợi hơn 4 tỉ đồng, ông Phạm Hữu Tước, nông dân ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành (huyện Thới Lai) đang tất bật chăm bón vườn sầu riêng xanh tốt, chuẩn bị cho vụ trái năm sau. Với giọng phấn chấn, tự tin, ông Tước chia sẻ rằng nhờ nghe theo sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ông đã đốn 3ha vườn cây kém hiệu quả để trồng sầu riêng nên gia đình ông có cuộc sống no ấm, sung túc. Ông Tước cho biết, không riêng gia đình ông, trong xã có nhiều hộ xây dựng được mô hình làm kinh tế hiệu quả, vươn lên khá, giàu. Qua 4 năm triển khai, thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, cũng như gia đình ông Tước, nhiều hộ gia đình trong thành phố đã và đang được hỗ trợ nhiều mặt để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống...
Quyết liệt trong triển khai, thực hiện
Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy quyết liệt trong lãnh đạo cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết và sâu sát trong triển khai thực hiện thì các mặt công tác có sự chuyển biến tích cực. Tại xã Trường Thành, ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy và UBND xã triển khai nhiều giải pháp giúp nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng như hỗ trợ vay vốn ngân hàng, xây dựng sản phẩm OCOP, thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã để liên kết sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm… Nhân dân trong xã đã cải tạo và chăm sóc 1.200ha vườn sầu riêng, vú sữa, mận; chuyển đổi hơn 50ha ruộng trồng lúa không hiệu quả chuyển sang vườn để trồng sầu riêng. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 75,23 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chỉ còn 2,18%.
Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ được đầu tư gần 800 tỉ đồng, đã khánh thành đưa vào sử dụng giữa năm 2024.
Tương tự, Đảng bộ phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, cũng là một trong những tổ chức cơ sở đảng được đánh giá là năng động lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường, 4 năm qua, Đảng ủy phường chỉ đạo mở rộng mô hình cánh đồng lớn 286ha sản xuất lúa chất lượng cao và lúa giống, mang lại lợi nhuận cao hơn 15% so với ngoài mô hình; hỗ trợ người dân vay vốn mở rộng mô hình trồng hẹ từ 5,6ha lên 7,2ha, mang lại hiệu quả cao gấp 4-5 lần sản xuất lúa; hỗ trợ nhân dân vay vốn, tập huấn kỹ thuật cải tạo 30ha vườn kém hiệu quả chuyển sang trồng sầu riêng, nhãn Ido; mời gọi xây mới chợ Thạnh Phước với 250 lô sạp nên giá trị thương mại - dịch vụ đã tăng 15% so với năm 2020. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 50 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của phường giảm xuống còn 0,33%, năm 2024 phường sẽ xóa hết hộ nghèo.
Trong 4 năm qua, Đảng bộ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cũng quyết liệt lãnh đạo xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả: Tổ hợp tác trồng vú sữa hơn 50ha; Tổ hợp tác trồng chanh không hạt 22ha; Hợp tác xã sầu riêng 11ha; hỗ trợ người dân vay vốn, tập huấn kỹ thuật để cải tạo được 186ha vườn kém hiệu quả chuyển sang trồng sầu riêng, vú sữa, chanh không hạt, dâu Hạ châu…; sắp xếp trật tự mua bán ở chợ Giai Xuân và chợ Thới Hưng nên số hộ kinh doanh tăng 15% so với năm 2020. Đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng, xã chỉ còn 6 hộ nghèo (chiếm 0,14%), xã phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ không còn hộ nghèo.
Trong sự phát triển của các địa phương có vai trò, nỗ lực lớn của các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy trong chỉ đạo, định hướng. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thốt Nốt, nhiệm kỳ 2020-2025, Quận ủy tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp nên tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm đạt trên 13%; giá trị công nghiệp ước tăng bình quân 11%/năm; giá trị thương mại - dịch vụ và du lịch tăng bình quân 21%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hơn 4%/năm. Quận ủy chỉ đạo các ngành, các địa phương hỗ trợ nhân dân xây dựng 27 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao; huy động các nguồn lực hỗ trợ xây 375 căn nhà tặng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn. Đến cuối năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt 108 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,46%.
Ở quận Bình Thủy, Quận ủy đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả nên 4 năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 8%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trên 13%/năm; thương mại, dịch vụ tăng trên 15%/năm. Quận có hơn 200 gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ khó khăn được hỗ trợ xây nhà ở. Đến cuối năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt 91 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,13%.
Khơi dậy sức dân xây dựng quê hương
Đến phường Thới An, quận Ô Môn, chúng tôi hòa cùng niềm vui của người dân địa phương khi hệ thống giao thông ngày càng khang trang, thông thoáng. Ông Trần Phú Hữu, Phó Bí thư Đảng ủy phường, cho biết: Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ phường xác định một trong những mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước có hạn, để thực hiện tốt mục tiêu này thì phải phát huy nội lực, khơi dậy sức dân. Từ đó, mỗi công trình khi triển khai thực hiện, Đảng ủy chỉ đạo tổ chức họp dân để bàn bạc công khai, dân chủ mức đóng góp, thành lập ban giám sát đầu tư cộng đồng để giám sát chặt chẽ các mặt và khi hoàn thành công trình phải tổ chức công khai minh bạch các khoản thu chi để người dân biết. Từ sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, nhân dân tham gia thực hiện với tâm thế chủ động, phấn khởi hơn. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phường Thới An đã vận động xã hội hóa được trên 4 tỉ đồng và vận động nhân dân đóng góp hơn 3.000 ngày công bắc 20 cầu bê tông cốt thép, nâng cấp và sửa chữa hơn 20.000m đường bê tông.
Với phương châm, cách làm công khai, dân chủ, minh bạch các khoản thu chi, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng trong thành phố đã khơi dậy sức dân xây dựng nhiều công trình giao thông. Điển hình như phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, đã nâng cấp, mở rộng hơn 20.000m đường giao thông rộng từ 4m-6,5m và bắc 12 cây cầu bê tông; phường Phước Thới, quận Ô Môn, nâng cấp, mở rộng hơn 25.300m đường giao thông, bắc 9 cây cầu bê tông; phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, nâng cấp, mở rộng 13.000m đường giao thông và bắc 10 cây cầu bê tông; xã Thới Tân, huyện Thới Lai, nâng cấp, mở rộng hơn 15.000m đường giao thông và bắc 12 cây cầu bê tông; thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, đã nâng cấp, mở rộng 12.000m đường, bắc mới 5 cây cầu bê tông…
Nắm bắt cơ hội, phát huy mọi nguồn lực
Với quyết tâm, nỗ lực của hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, 4 năm qua, TP Cần Thơ có bước chuyển biến, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Quốc phòng được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững ổn định… Trong đó, tăng trưởng (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 5,34%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2023 đạt 94,12 triệu đồng, tăng 20,67 triệu đồng so với năm 2020; nhiều công trình kết cấu hạ tầng lớn được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng đã làm cho diện mạo thành phố khang trang, hiện đại; có 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,21%, thấp nhất vùng ĐBSCL và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong giai đoạn mới, thành phố được dành nhiều nguồn lực từ Trung ương và địa phương để đầu tư xây dựng, hoàn thành nhiều công trình lớn, như: cầu Vàm Xáng, cầu Tây Đô, cầu Trần Hoàng Na, cầu Cờ Đỏ, Dự án Cống ngăn triều - Âu thuyền Cái Khế chống ngập, Công trình đê Kè sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu, đường Hoàng Quốc Việt, đường tỉnh 922 mới, đường Trần Hoàng Na, đường nối đường Cách mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918…
Nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển, 4 năm qua, thành phố cũng đã triển khai xây dựng nhiều công trình trọng điểm: Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP Cần Thơ) giai đoạn 1; dự án đường vành đai phía Tây thành phố; dự án nâng cấp tuyến đường tỉnh 917, 918, 921, 923; dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025; dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố; dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 (Km0-Km7)… Các công trình, dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn thành phố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nâng tầm vóc của thành thành phố, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển mạnh mẽ, xây dựng TP Cần Thơ phát triển xứng tầm là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL.
Bài, ảnh: ANH DŨNG