24/08/2020 - 06:15

Năng động làm giàu 

Ông Đoàn Văn Thi, nông dân ở ấp Trung Hóa, xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, năng động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đầu tư kinh doanh đạt hiệu quả cao. Với sự nỗ lực và ý chí vượt khó, ông Thi đã gầy dựng được cơ ngơi vững chắc, với lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh trên 2 tỉ đồng/năm. Năm 2016, ông Thi vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen đã có thành tích trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ông là một trong những gương điển hình trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của thành phố.

Để giúp đỡ hội viên khó khăn trong sản xuất, ông Thi bán vật tư nông nghiệp cho nông dân theo hình thức trả chậm, không lãi suất.

Để giúp đỡ hội viên khó khăn trong sản xuất, ông Thi bán vật tư nông nghiệp cho nông dân theo hình thức trả chậm, không lãi suất.

Ông Đoàn Văn Thi lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Học đến lớp 8, ông phải nghỉ học, ở nhà phụ giúp cha mẹ lao động kiếm sống. Tiếp cận công việc đồng áng từ thuở nhỏ, ông Thi có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Năm 1984, ông Thi kết hôn với bà Huỳnh Thị Ngàn và được gia đình cho 5 công ruộng để canh tác. Tuy nhiên, nhiều năm làm lụng vất vả nhưng cuộc sống gia đình ông vô cùng khó khăn. 6 nhân khẩu trong gia đình chỉ trông chờ thu nhập từ ruộng lúa nên cuộc sống thiếu trước, hụt sau. Nhiều đêm ông cứ trằn trọc, thao thức nghĩ cách làm ăn mới, với hy vọng đưa gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bằng sự cần cù lao động và quyết tâm vươn lên làm giàu, ngoài 5 công đất ruộng, vợ chồng ông Thi còn nuôi vịt, giăng lưới và mua bán cá để có thêm thu nhập. Nhờ công việc làm ăn thuận lợi, tích lũy được tiền, năm 1990, ông Thi đầu tư mua thêm 15 công đất ruộng. Thời điểm đó, ông Thi chỉ làm 2 vụ lúa/ năm. Ông Thi bộc bạch: “Hồi trước gia đình tôi cực khổ trăm bề. Vợ chồng phải làm đủ nghề kiếm sống, nuôi con. Tích góp được một ít vốn và vay mượn thêm, năm 2000 vợ chồng tôi mua được chiếc ghe có trọng tải 40 tấn để đi mua bán lúa gạo. Biết nhiều người có nhu cầu mua cá để phóng sinh, tôi đào 3.000m2 ao để nuôi các loại cá chép, rô phi để bán, hằng năm tôi mua bán 30-35 tấn cá để phóng sinh”.

Sau nhiều năm làm ruộng, nuôi cá kết hợp với kinh doanh, gia đình ông dành dụm mua được 7,5ha đất, mở rộng quy mô sản xuất. Để làm ruộng đạt năng suất cao, giảm chi phí canh tác, ông Thi tham gia các lớp tập huấn và ứng dụng những kỹ thuật vào sản xuất. Ông Thi chia sẻ kinh nghiệm: “Trước đây, theo tập quán sản xuất cũ, tôi sạ dày nên năng suất thấp. Nhờ dự các lớp tập huấn, tham gia hội thảo đầu bờ và tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả, tôi mạnh dạn ứng dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa. Từ đó, giảm được chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật,... lúa lại cho năng suất cao”.

Gần 10 năm nay, ông Thi còn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc nuôi cá trên ruộng trong vụ lúa thu đông. Theo ông Thi, vụ lúa thu đông thường kém hiệu quả, trong khi nuôi cá mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Ngoài ra, nuôi cá ở vụ thu đông sẽ giúp đất có thời gian trữ phù sa nên lúa sẽ sinh trưởng tốt hơn, giảm chi phí đầu tư đầu vào. Ông Thi cho biết: “Cá nuôi trên ruộng không phải tốn thức ăn, bởi cá ăn chủ yếu lúa đổ, ốc con... Sau 3 - 4 tháng là xuất bán. Trung bình, 1 vụ nuôi cá trên 7,5ha đất, gia đình tôi có thêm thu nhập gần 200 triệu đồng”. Tuy nhiên, những năm gần đây, do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước đưa vào ruộng hạn chế nên việc nuôi cá đã không còn thuận lợi như trước nên ông chuyển sang trồng lúa.  

Để hạn chế tình trạng “cò” mua lúa ép giá nông dân ở thời điểm thu hoạch, những năm gần đây ông Thi tổ chức ký hợp đồng bao tiêu thu mua lúa với diện tích 150-200ha cho nông dân với giá cao hơn thị trường. Chỉ tính riêng việc mua lúa tạm trữ, bán lại đã giúp gia đình ông Thi có lãi 400-500 triệu đồng/năm. Năm 2015, ông Thi mở cửa hàng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ bán phân bón, thuốc trừ sâu trả chậm, không tính lãi cho nhiều nông dân. Sau khi thu hoạch, bà con bán lúa trả lại tiền cho ông Thi. Ông Thi bộc bạch: “Thời gian đầu, việc mua bán cũng gặp nhiều khó khăn... Đến nay, công việc cơ bản ổn định. Khách hàng đến mua vật tư nông nghiệp ngày càng nhiều”.

Kể về tấm gương vượt khó, năng động làm giàu của ông Đoàn Văn Thi, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Lai, ngợi khen: “Anh Thi là nông dân dám nghĩ, dám làm và nhạy bén trong sản xuất và kinh doanh. Anh không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn có những việc làm thiết thực để giúp nông dân trong xã. Hằng năm, anh còn đóng góp 40-60 triệu đồng để xây dựng cầu, làm đường giao thông nông thôn và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương…”.

Bài, ảnh: KHẮC VIỆT

Chia sẻ bài viết