03/04/2012 - 09:24

Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách cho vùng Tây Nam bộ

Nhờ vốn vay từ chương trình tín dụng chính sách xã hội dành cho hộ nghèo, gia đình chị Trần Kim Chi ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ phát triển chăn nuôi bò, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số chương trình, dự án do UBND địa phương ủy thác tại các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ. Các chương trình này góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp hàng trăm ngàn hộ thoát nghèo, hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học… Song, theo đánh giá của NHCSXH Việt Nam, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trong vùng còn nhiều hạn chế…

Hiệu quả bước đầu

Tây Nam bộ - vùng ĐBSCL có dân số tự nhiên trên 17,2 triệu người, chiếm 19,8% dân số cả nước. Toàn vùng có hơn 4.274.000 hộ dân, trong đó hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 còn 576.000 hộ, chiếm 13,48% và có 322.000 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,54%. Theo các nhà chuyên môn, hàng trăm ngàn hộ nghèo và hộ cận nghèo ở ĐBSCL sẽ có điều kiện vươn lên thoát nghèo khi được tiếp cận và biết cách sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước (theo các chương trình tín dụng chính sách). Bởi thời gian qua, nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước nhiều hội nông dân đã biết cách sử dụng đồng vốn hợp lý, đúng mục đích và vươn lên thoát nghèo, có điều kiện để “an cư lạc nghiệp”.

Theo NHCSXH Việt Nam, đến nay, 13 chi nhánh NHCSXH Việt Nam tại Tây Nam bộ đã thành lập được 115 phòng giao dịch cấp huyện, tổ chức được 1.577 điểm giao dịch tại UBND các xã, phường. Gần 9 năm qua, các chi nhánh NHCSXH trong vùng đã cho trên 3,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay gần 24.000 tỉ đồng. Đến 31-12-2011, tổng dư nợ NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thuộc vùng Tây Nam bộ đạt 16.922 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng 16,3% toàn quốc), tăng 14.554 tỉ đồng so với thời điểm thành lập (năm 2003). Ngoài ra, trên 41.000 tổ tiết kiệm vay vốn được thành lập ở các ấp, khóm, khu phố, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đến các đối tượng thụ hưởng chính sách, với hơn 1,5 triệu hộ còn dư nợ. Hoạt động tín dụng chính sách ở Tây Nam bộ đã giúp trên 535.000 hộ thoát nghèo, giúp hơn 472.000 hộ có việc làm, hơn 382.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học. Ngoài ra, từ nguồn vốn NHCSXH các địa phương trong vùng đã xây dựng hơn 582.000 công trình vệ sinh, nước sạch; xây dựng hơn 82.000 căn nhà vượt lũ cho hộ dân trong các cụm tuyến dân cư vượt lũ và cất mới hơn 114.000 căn nhà ở cho hộ nghèo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành hữu quan, chất lượng tín dụng của các chi nhánh NHCSXH vùng Tây Nam bộ so với mặt bằng chung của hệ thống NHCSXH Việt Nam còn nhiều yếu kém. Tổng nợ xấu tại vùng Tây Nam bộ là 710 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 35% toàn quốc. Nợ xấu bình quân trong vùng (khoảng 4,2%), cao gấp 2,1 lần bình quân chung toàn quốc; lãi tồn đọng lớn (gần 357 tỉ đồng), chiếm 1/3 lãi tồn đọng của toàn quốc; nợ không đối chiếu được chiếm 2/3 toàn quốc... Ngoài ra, phần lớn các chi nhánh NHCSXH vùng Tây Nam bộ hoạt động trong tình trạng yếu kém kéo dài...

Kinh nghiệm từ Long An và Bến Tre

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với NHCSXH Việt Nam tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ”. Tại hội nghị này, nhiều ý kiến cho rằng, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục các yếu kém trong quá trình cung cấp, sử dụng và thu hồi vốn. Trong đó, cần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tham gia thực hiện tín dụng chính sách trong vùng, đồng thời có giải pháp giúp các đối tượng vay vốn nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn và có ý thức trả nợ đúng hạn.

Ông Võ Minh Hiệp, Phó tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, cho biết: Mục tiêu các chi nhánh NHCSXH hướng đến là nợ quá hạn phải giảm dần từng năm. Phấn đấu đến năm 2014, nợ quá hạn của các chi nhánh phải dưới 2%. Từng chi nhánh phấn đấu giảm từ 20-30% số lãi tồn đọng/năm và đến cuối năm 2014, tổng số lãi tồn đọng còn 30% so với lãi tồn đọng của năm 2011; giảm ít nhất 50% số nợ bị chiếm dụng so với số nợ chiếm dụng còn tồn đọng trong năm 2011.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, NHCSXH Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng cho vùng Tây Nam bộ do Tổng Giám đốc trực tiếp làm Trưởng ban. Các chi nhánh NHCSXH tại Tây Nam bộ phải xây dựng Đề án thực hiện cho chi nhánh, trong đó nêu rõ tồn tại, nguyên nhân dẫn đến tồn tại, đề ra giải pháp khắc phục và cam kết thực hiện.

Long An và Bến Tre là 2 địa phương có Chi nhánh NHCSXH và hệ thống các tổ chức tham gia thực hiện tín dụng chính sách hoạt động khá tốt. Điển hình như Long An, tỷ lệ nợ xấu chỉ có 13,3 tỉ đồng; trong khi nợ xấu bình quân trong vùng là 54,6 tỉ đồng/tỉnh và bình quân toàn quốc là 32,2 tỉ đồng/tỉnh (tỷ lệ 1,96%). Chia sẻ kinh nghiệm thành công này, ông Nguyễn Thuấn, Giám đốc NHCSXH Việt Nam Chi nhánh tỉnh Long An, cho biết: “không chỉ nhờ sự tích cực của chi nhánh, sự tham gia điều hành có hiệu quả của Ban đại diện hội đồng quản trị mà còn có sự đóng góp của nhiều cấp, nhiều ngành, sự phối hợp tốt từ các đoàn thể trên địa bàn tỉnh Long An. Qua đó, giúp đồng vốn tín dụng chính sách đến tận tay hộ nghèo, các đối tượng chính sách, đặc biệt là những hộ vùng sâu, vùng xa; đồng thời hướng dẫn họ sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả. Công tác quản lý nợ đến hạn, xử lý nợ quá hạn luôn được chi nhánh và các đoàn thể quan tâm, xử lý kịp thời. Hằng năm, có xét khen thưởng cho các ban ngành đoàn thể, tổ chức, cá nhân làm tốt để khuyến khích”.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Chi nhánh NHCSXH Bến Tre nhận ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện Hội Nông dân Bến Tre quản lý 1.177 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 51.415 thành viên là hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ đạt 446.180 triệu đồng (gần 39%), nợ quá hạn 6.857 triệu đồng (tỷ lệ 1,5% trên tổng dư nợ). Để giảm tình trạng nợ xấu, Hội Nông dân thường xuyên phối hợp với NHCSXH tổ chức tập huấn cho cán bộ hội và Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời chỉ đạo chặt việc theo dõi, kiểm tra hoạt động nhận ủy thác của cơ sở và tổ tiết kiệm, vay vốn. Song song đó, Hội Nông dân cũng rất quan tâm đến công tác tập huấn khoa học kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt; giúp hộ vay vốn có kiến thức trong sử dụng đồng vốn hiệu quả, hạn chế thất thoát do sử dụng không đúng mục đích vay hoặc sản xuất, chăn nuôi không hiệu quả dẫn đến nợ quá hạn, khó đòi. Ngoài ra, Hội còn tuyên truyền, khuyến khích các đối tượng vay vốn cố gắng tiết kiệm trong chi tiêu, hàng tháng gởi tiết kiệm, tạo nguồn vốn tích lũy để sử dụng cho nhu cầu chi tiêu về sau hoặc nhẹ hơn trong trả nợ gốc cho ngân hàng khi đến hạn. Hiện nay, có trên 92% số tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội nông dân Bến Tre quản lý có số dư tiết kiệm bình quân 9,8 triệu đồng/tổ.

Bài, ảnh: VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết