24/08/2015 - 20:14

Nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân viêm gan B

Viêm gan B (VGB) lây qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm vi-rút VGB cao (từ 5,7 đến 10% dân số). Nhiều năm qua, ngành y tế cả nước thực hiện chương trình tiêm ngừa VGB cho trẻ sơ sinh và tư vấn giúp người dân chủ động tầm soát vi- rút gây VGB. Tuy nhiên, VGB vẫn là mối nguy hại đối với người dân, nhất là vùng ĐBSCL. Tất cả thể hiện qua buổi sinh hoạt chuyên đề "Cập nhật điều trị VGB hiện nay", do Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức cho gần 200 bác sĩ chuyên khoa Nhiễm vùng ĐBSCL.

VGB là bệnh mãn tính rất dễ tái phát, phải điều trị lâu dài. Chi phí điều trị khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, theo phác đồ điều trị, người bị VGB phải thực hiện 4 đợt xét nghiệm (BHYT thanh toán 2 đợt). Để ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm VGB, năm 2015, Bộ Y tế khuyến cáo độ tuổi được chỉ định điều trị là từ 30 tuổi (thay vì 40 tuổi như từ năm 2014 trở về trước). Buổi chuyên đề "Cập nhật điều trị VGB hiện nay" tập trung dành thời gian để TS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hướng dẫn những quy định mới từ Quyết định số 5448/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị VGB do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ký ngày 30-12-2014. Trong đó có danh mục thuốc điều trị VGB mạn dành cho người lớn và trẻ em được thanh toán BHYT và người bị VGB đồng nhiễm HIV được hưởng quyền lợi thanh toán BHYT. TS Lê Mạnh Hùng cho biết: Hầu hết bệnh nhân điều trị VGB mạn tại các BV công đều sử dụng chế độ BHYT, bác sĩ cần kịp thời cập nhật quy định mới này để giúp người bị VGB mạn đỡ khó khăn về viện phí, vì phải dùng thuốc lâu dài.

 Xét nghiệm tìm vi-rút gây VGB mạn tại phòng thí nghiệm Sinh học phân tử của Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Người bệnh muốn điều trị khỏi VGB, ngoài điều kiện tài chính, thời gian, cần có kiến thức y khoa để kiên trì theo phác đồ điều trị. Đây là khó khăn cho ngành y tế vì số bệnh nhân bỏ điều trị hiện ở mức cao. Ở vùng ĐBSCL, theo BS.CKII Huỳnh Thị Kim Yến, Trưởng bộ môn Nhiễm, ĐH Y Dược Cần Thơ, tỷ lệ này khoảng 50%. BS.CKII Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch Hội Gan Mật TP Hồ Chí Minh, khuyến cáo: Khi vào chu kỳ điều trị, bệnh nhân VGB thường hỏi bác sĩ khi nào được ngưng thuốc. Đây là câu hỏi khó, bác sĩ không thể xác định chính xác thời gian. Nếu bác sĩ giải thích không khéo, bệnh nhân dễ cho rằng, tay nghề bác sĩ không cao, đang "nuôi bệnh". Từ đó sẽ xảy ra 2 tình huống: bệnh nhân đến cơ sở điều trị khác, mất thời gian thực hiện các xét nghiệm từ đầu và tốn kém nhiều hơn; hoặc bệnh nhân bỏ điều trị, tạo nguồn lây cho cộng đồng, mức nguy hại xã hội khó lường. Để tránh tình trạng này, các bác sĩ gồm: BS.CKII Huỳnh Thị Kim Yến, Trưởng bộ môn Nhiễm, ĐH Y Dược Cần Thơ; BS.CKII Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch Hội Gan Mật TP Hồ Chí Minh, TS Lê Mạnh Hùng, Giám đốc BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và BS.CKII Nguyễn Đình Song Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Trưởng khoa U gan BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tư vấn bệnh nhân và bác sĩ điều trị phải xem đây là phạm trù y đức. BS.CKII Huỳnh Thị Kim Yến cho biết: "Chúng tôi thường động viên các bác sĩ trẻ nên dành thời gian tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học cùng đồng nghiệp, để cập nhật quy định mới từ Bộ Y tế để thích ứng với xã hội, phục vụ bệnh nhân tốt hơn".

Hiện nay, Bộ Y tế quy định các BV công phải thành lập bộ phận Chăm sóc "khách hàng", để có nguồn thu tốt, dần tự chủ tài chính. Với bệnh nhân điều trị VGB mạn, bác sĩ có cách tư vấn thuyết phục, căn cứ diễn biến tâm lý bệnh nhân. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy (40 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), năm 2013 bị VGB cấp, được Bệnh viện ĐH Y Dược Cần Thơ điều trị khỏi. Hiện cứ 6 tháng/lần, chị Nguyễn Thị Bích Thủy đến bệnh viện tái khám, xét nghiệm men gan, cho biết: "Hơn một năm điều trị VGB, nhiều lúc cơ thể suy yếu làm tôi rất chán nản, muốn ngưng thuốc. Những lúc ấy, bác sĩ nhận ra tôi đang bi quan và động viên phải kiên trì tuân thủ đúng phác đồ, đừng nóng vội dùng thêm các loại thuốc đang quảng cáo tràn lan. Khi xem kết quả xét nghiệm máu chỉ số men gan của tôi ổn định, tôi được ngưng thuốc. Bác sĩ chia sẻ niềm vui với tôi".

Thiết nghĩ, những quy định mới từ Bộ Y tế và sự nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ bác sĩ, hẳn bệnh nhân bị VGB mạn ở ĐBSCL sẽ yên tâm điều trị bệnh.

Bài, ảnh: Đình Khôi

Chia sẻ bài viết