22/05/2020 - 05:35

Nạn tham nhũng hoành hành giữa đại dịch 

Hôm 20-5, cảnh sát Bolivia thông báo Bộ trưởng Y tế Marcelo Navajas (ảnh) đã bị bắt vì nghi có liên quan đến vụ đội giá mua lô máy trợ thở điều trị COVID-19 từ Tây Ban Nha. Bê bối cho thấy thách thức trên toàn cầu trong việc ngăn chặn nạn tham nhũng thời đại dịch.

Ảnh: Reuters

Ông Navajas cùng 2 quan chức khác thuộc Bộ Y tế Bolivia bị bắt một ngày sau khi Tổng thống lâm thời Jeanine Anez ra lệnh mở cuộc điều tra về vụ nhập khẩu 179 máy trợ thở từ công ty GPA Innova của Tây Ban Nha với giá 27.683 USD/máy. Tuy nhiên, mức giá thực tế do nhà sản xuất đưa ra cho mỗi máy chỉ từ 10.312-11.941 USD. Truyền thông Bolivia thậm chí phát hiện mỗi máy chỉ khoảng 7.184 USD.

Chính phủ Bolivia mua lô máy trên bằng khoản tín dụng do Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) tài trợ. 2 nhân viên của IDB cũng bị triệu tập để lấy lời khai nhân chứng. Trong thông báo trên Twitter, Tổng thống Anez cho biết 2 triệu USD trong hợp đồng trị giá 4,8 triệu USD mua 179 máy thở đã được thanh toán, nhưng sẽ hoãn chi trả số tiền còn lại. Vụ việc bị phanh phui vào cuối tuần qua khi bác sĩ tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) phàn nàn máy thở không phù hợp với các ICU tại quốc gia Nam Mỹ này.

Trong khi đó, Cơ quan công tố Azerbaijan hồi đầu tháng 5 thông báo đã mở chiến dịch truy quét tham nhũng trên toàn quốc. Kết quả có 6 quan chức địa phương bị tóm vì tội nhận hối lộ để cấp giấy phép ra khỏi nhà cho một số công dân trong khi cả nước đang thực hiện nghiêm ngặt lệnh cách ly. 2 trong số họ còn bị cáo buộc biển thủ trợ cấp lương thực dành cho người nghèo. Kể từ ngày 5-4, Azerbaijan yêu cầu người dân ở yên trong nhà và chỉ được ra ngoài khi nhận được giấy phép qua tin nhắn SMS.

Mỹ tặng Nga 200 máy thở

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 20-5 cho biết nước này tặng 200 máy thở để giúp Nga đối phó với dịch COVID-19.

Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Pompeo đăng bức ảnh chụp một máy bay vận tải quân sự Mỹ chở nhiều thùng hàng có logo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Ông Pompeo cũng nêu rõ “Mỹ cam kết tặng 15.000 máy thở cho hơn 60 quốc gia và tiếp tục dẫn đầu toàn cầu trong đóng góp cho cuộc chiến chống đại dịch”.  

Trước đó, Nga đã chuyển một lô thiết bị và vật tư y tế, gồm khẩu trang và máy thở, tới New York hồi tháng 4 vừa qua - thời điểm bang này của Mỹ là một ổ dịch COVID-19 lớn trên thế giới. 

Mỹ và Nga hiện là 2 ổ dịch COVID-19 lớn nhất toàn cầu. Theo số liệu của trang worldometers.info, tính đến hôm qua, Mỹ ghi nhận tổng cộng gần 1,6 triệu ca nhiễm và 95 ngàn ca tử vong, trong khi số ca mắc và tử vong tại Nga lần lượt là hơn 318 ngàn và 3 ngàn.

Chuyện ở Azerbaijan khiến nhiều người liên tưởng đến vụ các quan chức Saudi Arabia bị bắt vì làm giả 31 giấy phép tự do đi lại để bán cho người dân trong thời gian nước này thực hiện lệnh giới nghiêm. Họ thu về tổng cộng gần 25.000 USD từ hoạt động phạm pháp trên. Không chỉ mua bán “giấy thông hành”, có 2 quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Saudi Arabia bị phát hiện nâng khống giá phòng khách sạn tại thủ đô Riyadh, nơi được sử dụng để thực hiện cách ly y tế đối với những người ở hải ngoại trở về nước này.

Trước đó, 4 quan chức cao cấp trong Chính phủ Uganda đã phải “xộ khám” sau khi xuất hiện thông tin tố cáo họ “thổi phồng” giá thực phẩm cứu trợ COVID-19, gây thất thoát trên 528.000 USD. Những người này công tác tại văn phòng Thủ tướng Uganda Ruhakana Rugunda và điều hành chương trình cung cấp thực phẩm cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.

Còn tại Bangladesh, chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 4, có tới 29 lãnh đạo địa phương thuộc đảng cầm quyền Liên đoàn Awami và quan chức tại nhiều vùng đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng và “chôm” lương thực dành cho dân nghèo trong giai đoạn phong tỏa để kiềm chế COVID-19. Theo báo Daily Star, các đối tượng đã đánh cắp 4.167 bao gạo (nặng trên 200 tấn), lương thực chủ yếu tại đất nước Nam Á này.

Trong khi đó, nhận thấy nguy cơ xảy ra tham nhũng trong dịch COVID-19, nên Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phải lên tiếng cảnh báo. Hồi tháng 3, lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á dọa sẽ bắt giữ những quan chức lạm quyền trong khi thực hiện hoạt động phân phát tiền hoặc hàng cứu trợ cho người dân. Hàng viện trợ ưu tiên cho những người mà kế sinh nhai bị ảnh hưởng bởi quy định cách ly khắt khe.

Gần đây, Tổng Thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Thomas Greminger dự báo những quốc gia bị COVID-19 hoành hành trong khối nhà giàu này sẽ càng thêm “mệt mỏi” bởi nạn tham nhũng trong những tháng tới. Theo ông, tội phạm thích ứng rất nhanh với những khe hở trong hệ thống do khủng hoảng COVID-19 gây ra.

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết