Hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày 19 và 20-12 tại Brussels (Bỉ) là sự kiện lần đầu tiên sau 5 năm các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tập trung vào chính sách quốc phòng và an ninh. Nó diễn ra trong bối cảnh khu vực đồng euro (Eurozone) chưa thật sự thoát khỏi bóng ma khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, đồng thời đang đứng trước sức ép phải cân bằng giữa thắt chặt chi tiêu dân sự và tăng ngân sách quốc phòng.
Trong thông điệp thúc giục EU chi đậm hơn cho ngân sách quân sự, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh: "Chúng tôi cần một châu Âu mạnh mẽ hơn - điều đó cũng đồng nghĩa với một NATO vững mạnh hơn". Đơn giản, bởi đang có tới 22 quốc gia thành viên EU, mà đứng đầu là Anh và Pháp, đóng vai trò quan trọng trong NATO, nơi Mỹ nắm quyền chi phối.
Châu Âu đứng trước áp lực phải gia tăng ngân sách quân sự khi mà đồng minh Mỹ đang cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng và chuyển trọng tâm an ninh vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. EU được kỳ vọng sẽ đầu tư mạnh cho các chương trình mua sắm máy bay không người lái và tiếp nhiên liệu trên không, hai loại thiết bị mà họ phải phụ thuộc vào "anh cả" Mỹ trong chiến dịch không kích Libye năm 2011.
Việc Nga tuyên bố chi 700 tỉ USD từ nay đến năm 2020 để nâng cấp tiềm lực quân sự, đồng thời vừa triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tại tỉnh biên giới Kaliningrad giáp với một số nước thành viên EU và NATO, càng khiến châu Âu lo ngại, nhất là trong bối cảnh EU đang tìm cách lôi kéo các nước cộng hòa Xô-viết cũ, đặc biệt là Ukraina về hướng Tây trong sự giận dữ của Mát-xcơ-va.
Mới đây, Paris cũng kêu gọi các quốc gia thành viên EU phải đóng góp ngân sách cho các hoạt động can thiệp quân sự hải ngoại của khối, động thái được cho nhằm giúp Pháp thể hiện vai trò cường quốc đỡ đầu an ninh tại cựu thuộc địa Mali, CH Trung Phi
Tại cuộc gặp cấp cao lần trước (năm 2008), EU cam kết dành ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy tổng chi tiêu quân sự của EU đã giảm 10% trong giai đoạn 2008-2012. Với việc Eurozone chưa vượt qua khủng hoảng tài chính, các nhà lãnh đạo EU đang đối mặt với sự lựa chọn đầy khó khăn.
CÁT THY (Tổng hợp)