28/11/2022 - 12:38

Nạn đói đe dọa người dân Somalia 

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times)

Sự cộng hưởng giữa thời tiết khắc nghiệt và các phần tử cực đoan đang đẩy Somalia đến thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất trong hơn một thập niên.

Khoảng 900.000 người Somalia bị ảnh hưởng bởi hạn hán đang sống tại những vùng nằm dưới sự kiểm soát của nhóm Al Shabab và không tiếp cận được viện trợ. Ảnh: Guardian

Khoảng 900.000 người Somalia bị ảnh hưởng bởi hạn hán đang sống tại những vùng nằm dưới sự kiểm soát của nhóm Al Shabab và không tiếp cận được viện trợ. Ảnh: Guardian

Kể từ đầu năm ngoái, hơn 165.000 người đã đổ về các trại tị nạn ở thành phố Baidoa, phía Nam Somalia, để trốn chạy đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập niên qua tại quốc gia Đông Phi. 

Năm mùa mưa không có nước, do tình trạng biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng tới 7,8 triệu người Somalia (gấp đôi so với đầu năm nay), trong đó 300.000 người đang chịu cảnh đói nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, chỉ mỗi thời tiết chưa đủ để gây ra nạn đói, mà còn có cả bàn tay của con người. Trở ngại lớn nhất đối với hoạt động cứu trợ trên quy mô lớn là sự hiện diện của Al Shabab khi nhóm phiến quân này đánh bom tự sát và dùng vũ lực chiêu mộ trẻ em, đánh thuế nông dân và cản trở các tổ chức cứu trợ tiếp cận những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán. Chính phủ Somalia tái chiếm Baidoa từ tay Al Shabab năm 2012 nhưng thành phố hiện bị bao vây bởi các phần tử này.

Trong nhiều thập niên, quốc tế đã triển khai các hoạt động can thiệp tại Somalia, bao gồm viện trợ nhân đạo và quân sự trị giá hàng tỉ USD, song vẫn không thể giúp nước này ổn định. Sự kiện ông Hassan Sheikh Mohamud tái đắc cử Tổng thống Somalia hồi tháng 5 làm lóe lên hy vọng mới về việc Al Shabab có thể bị đẩy lùi. Thế nhưng các tay súng Hồi giáo cực đoan đã trả đũa khi thực hiện vụ đánh bom kép ở thủ đô Mogadishu làm chết hơn 100 người, cuộc tấn công đẫm máu nhất của nhóm trong 5 năm qua.

Đã một năm kể từ khi Chính phủ Somalia tuyên bố hạn hán là tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhưng giờ đây các nhân viên cứu trợ cho rằng cuộc khủng hoảng đang rất nghiêm trọng. Trung bình mỗi phút lại có một trẻ suy dinh dưỡng nặng phải nhập viện điều trị, trong khi nhiều bệnh viện chật kín trẻ em thiếu ăn mắc các bệnh sởi, viêm phổi…

Lo ngại lịch sử lặp lại

Người dân Somalia đang đợi xem các chuyên gia cứu trợ có chính thức tuyên bố nạn đói tại đất nước 17 triệu dân này trong những tuần tới hay không. Nhiều người lo sợ lịch sử lặp lại khi 2 nạn đói khủng khiếp gần đây nhất ở Somalia vào năm 1992 và 2011, làm chết tổng cộng 500.000 người, cũng là “sản phẩm” của hạn hán vốn được tiếp tay bởi chiến tranh.

Ít nhất 1,1 triệu người đã rời bỏ nhà cửa để đến các trại tị nạn chật chội và dơ bẩn như các trại xung quanh Baidoa. Liên Hiệp Quốc cho biết đang cần thêm 1 tỉ USD để hỗ trợ lương thực, nước uống và nơi ở khẩn cấp cho những người tị nạn. Nếu không nhanh chóng hành động, ít nhất 500.000 trẻ em có nguy cơ tử vong vào giữa năm 2023, viễn cảnh mà phát ngôn viên của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) James Elder gần đây gọi là “cơn ác mộng chưa từng thấy trong thế kỷ này”. Tuy nhiên, so với nạn đói năm 2011, phản ứng của quốc tế hiện nay được tổ chức nhanh và tốt hơn. Mỹ trong năm nay đã viện trợ nhân đạo cho Somalia 870 triệu USD, bỏ xa các nhà tài trợ khác.

Kenya và Ethiopia cũng là nạn nhân của trận hạn hán kéo dài 2 năm, đẩy 21 triệu người ở vùng Sừng châu Phi đến bờ vực đói kém. Tình trạng khan hiếm thực phẩm và nước cực độ đã giết chết khoảng 7 triệu gia súc trên khắp Sừng châu Phi, gây nguy hiểm cho sinh kế của những người chăn nuôi gia súc, vốn dựa chúng để có thức ăn, thu nhập.

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Nạn đóiSomalia