Kết quả tổng hợp, đánh giá các chỉ tiêu phân loại đô thị theo tiêu chí đô thị loại I do Phân Viện Qui hoạch Đô thị Nông thôn miền Nam thuộc Bộ Xây dựng thực hiện, đến tháng 11-2008, TP Cần Thơ đạt 79,3/100 điểm, đủ điều kiện để được công nhận trở thành đô thị loại I vào năm sau. Hiện nay, thành phố tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục một số chỉ tiêu còn thiếu, sẵn sàng để TP Cần Thơ được công nhận đô thị loại I.
* Đạt số điểm đô thị loại I
Việc tính điểm phân loại đô thị loại I theo Thông tư 02/2002/TTLT-BXD-TCCBCP (gọi tắt là Thông tư 02) dựa trên 5 yếu tố: chức năng đô thị (vị trí và phạm vi ảnh hưởng, tổng thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người...); tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; cơ sở hạ tầng (nhà ở, công trình công cộng, giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng...); dân số; mật độ dân số. Căn cứ kết quả tổng hợp, đánh giá các tiêu chuẩn chức năng đô thị, qui mô dân số đô thị của TP Cần Thơ đều đạt và vượt so với các tiêu chí của đô thị loại I. Trong đó, tiêu chí nhà ở: gồm diện tích xây dựng nhà ở và tỷ lệ nhà ở kiên cố so với tổng quỹ nhà đạt 5/5 điểm; đất xây dựng công trình công cộng cấp khu ở đạt 4/4 điểm; cấp nước đạt 4/4 điểm... Tính đến tháng 11-2008, TP Cần Thơ đạt tổng cộng 79,3 điểm. Trong khi đó, theo qui định thành phố đạt từ 70-100 điểm được công nhận là đô thị loại I.
Một số tiêu chí mà TP Cần Thơ chưa đạt theo qui định của đô thị loại I là: mật độ đường chính mới đạt 4,06 km/km2 (chỉ tiêu lớn hơn 4,5 km/km2), mật độ đường cống thoát nước đạt 2,55 km/km2 (chỉ tiêu quy định là 4,5 km/km2), nước bẩn mới thu gom được 50% nhưng chưa được xử lý; diện tích cây xanh công cộng trong khu dân dụng đạt 7,96m2/người (chỉ tiêu là 8m2/người)... Theo kiến trúc sư Mai Như Toàn, Trưởng Phòng Quản lý kiến trúc qui hoạch Sở Xây dựng, Thông tư 02 hướng dẫn về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị có nêu: “Khi đánh giá, nếu có một số chỉ tiêu cấu thành yếu tố phân loại đô thị thấp hơn 70% so với qui định thì phải xem xét thêm triển vọng phát triển đô thị đó trong nội dung qui hoạch xây dựng đợt đầu (giai đoạn 5 năm trước mắt) cùng các biện pháp có tính khả thi cao, có khả năng khắc phục được những tồn tại, yếu kém của đô thị về các mặt đó để quyết định xếp loại”. Do vậy, việc khắc phục những chỉ tiêu còn thiếu phải được thực hiện khẩn trương, nhưng cố gắng không quá 5 năm kể từ khi được công nhận là đô thị loại I.
 |
Thành phố Cần Thơ hôm nay. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN |
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, nâng cao các chỉ tiêu chưa đạt, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ trở thành đô thị loại I vào năm 2009.
* Còn nhiều tiêu chí phải phấn đấu
Theo Sở Xây dựng, để TP Cần Thơ được công nhận đô thị loại I, không chỉ đơn thuần là đạt các chỉ tiêu cơ học về hạ tầng, mà phải đáp ứng các yêu cầu về văn minh đô thị, thể hiện qua các mặt chính quyền đô thị vững mạnh, nguồn nhân lực, trình độ đội ngũ cán bộ... Khi trở thành đô thị loại I vào năm 2009, vẫn có chỉ tiêu mà thành phố còn đang thực hiện dang dở và công cuộc xây dựng để TP Cần Thơ xứng đáng là đô thị loại I còn kéo dài trong những năm tiếp theo. Trước mắt, UBND thành phố cần hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn của Trung ương mang tính chất vùng như: tuyến Quốc lộ 91 (Cần Thơ-An Giang), đường Nam sông Hậu... kịp thời hòa mạng giao thông sau khi đưa vào khai thác sân bay Cần Thơ, cầu Cần Thơ, nhằm đạt được tiêu chí thứ nhất về chức năng giao thông đô thị trung tâm.
Song song đó, thành phố cần tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp luật đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đầu tư và khai thác khu công nghiệp nhằm giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Mở rộng các khu, cụm công nghiệp hiện có, gồm: khu công nghiệp Trà Nóc 2 diện tích 165 ha sẽ thu hút khoảng 67.500 công nhân; khu công nghiệp Hưng Phú 1 và Hưng Phú 2 phấn đấu hoàn thành cơ sở hạ tầng vào cuối năm 2009, đến 2012 lấp đầy 100% diện tích và thu hút khoảng hơn 100.000 công nhân. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục lập qui hoạch, dự án đầu tư khu công nghiệp Ô Môn (diện tích 262 ha); khu tiểu thủ công nghiệp (TTCN) quận Ô Môn (30,71 ha); khu TTCN quận Bình Thủy (46 ha) và khu TTCN quận Cái Răng (35 ha).
Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị nhất là giao thông đầu mối, hệ thống thoát nước và cây xanh cần được chú trọng hơn. Về phát triển giao thông, tập trung giải quyết đầu tư các công trình giao thông đầu mối mang tính liên khu vực, tạo động lực cho sự phát triển. Ngoài ra, hệ thống mạng lưới giao thông chính nội bộ dạng ô bàn cờ để bố trí sắp xếp dân cư sẽ được đầu tư theo nhu cầu phát triển đô thị. Hỗ trợ dự án thoát nước sinh hoạt do Ngân hàng tái thiết Đức tài trợ bằng cách bố trí đủ vốn đối ứng 7,8 triệu euro để hoàn thành trong năm 2009.
Theo ông Phạm Văn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, khi trở thành đô thị loại I, TP Cần Thơ sẽ có thế và lực mới trong hệ thống đô thị Việt Nam. Chính quyền đô thị có được cơ chế, chính sách riêng trong huy động vốn để phát triển, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều dự án đầu tư lớn sẽ vào thành phố. Ông Nhơn phân tích: “Để phục vụ cho nhu cầu phát triển của đô thị trong tương lai, TP Cần Thơ cần tiến dần đến nền hành chính số để các ban, ngành chia sẻ cũng như cập nhật thông tin thống nhất, giúp lãnh đạo chính quyền đô thị quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, khi TP Cần Thơ trở thành đô thị loại I, sẽ phải đối mặt với những thách thức về môi trường, dân nhập cư...”.
TRUNG DÂN