01/10/2023 - 07:52

Nagorno - Karabakh trong ván cờ của các nước lớn 

Dưới thời Liên Xô cũ, Nagorno - Karabakh là vùng tự trị có đa số người Armenia sinh sống và thuộc Azerbaijan từ năm 1923. Tuy nhiên, từ đầu năm 1988, vùng lãnh thổ này đấu tranh đòi độc lập. Vì thế, giai đoạn 1988-1990, Azerbaijan đã thực hiện nhiều cuộc đàn áp chống lại người Armenia tại đây khiến cho cho cuộc xung đột sắc tộc diễn ra thường xuyên. Chính quyền trung ương Mát-xcơ-va đã phải can thiệp nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, Nagorno - Karabakh tổ chức trưng cầu dân ý rồi tuyên bố độc lập, dù cộng đồng quốc tế chưa bao giờ thừa nhận.

Bản đồ thể hiện 2 vùng lãnh thổ Nagorno - Karabakh và Nakhchivan của Azerbaijan. Ảnh: Reuters

Bản đồ thể hiện 2 vùng lãnh thổ Nagorno - Karabakh và Nakhchivan của Azerbaijan. Ảnh: Reuters

Với sự hậu thuẫn của binh sĩ Armenia, cuộc xung đột sắc tộc quy mô lớn đã diễn ra và vùng Nagorno - Karabakh được mở rộng ra khỏi khu tự trị ban đầu để giành thêm phần lãnh thổ biên giới của Azerbaijan. Tính chung giai đoạn 1988-1994, cuộc xung đột vũ trang tại Nagorno - Karabakh đã khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải đi lánh nạn, phần lớn là người Azerbaijan.

Từ năm 1991-2017, vùng lãnh thổ này tự xưng là CH Nagorno - Karabakh, trước khi đổi tên thành CH Artsakh. Bản thân Armenia cũng chưa chính thức công nhận CH Nagorno - Karabakh nhưng kết quả trên được coi thắng lợi tinh thần lớn lao của cộng đồng người Armenia sau hàng thế kỷ phải chịu áp bức từ nhiều thế lực bên ngoài, bao gồm đế chế Ba Tư,  đế chế Ottoman, đế chế Nga…

Đến năm 2020, với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ kỳ, quân đội Azerbaijan đã phát động cuộc chiến tranh lần thứ hai kéo dài 44 ngày tại Nagorno - Karabakh và được coi đã giành thắng lợi quyết định khi kiểm soát phần lớn vùng lãnh thổ này. Một thỏa thuận ngừng bắn do Mát-xcơ-va làm trung gian đã được triển khai với 2.000 binh sĩ Nga theo dõi. Tuy nhiên, Armenia cáo cuộc Nga đã không bảo vệ họ theo hiệp ước an ninh chung của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Và điều gì đến sẽ phải đến khi ngày 19-9 vừa qua, quân đội Azerbaijan với sức mạnh vượt trội đã lấy cớ mở “chiến dịch chống khủng bố”, chỉ trong vòng 24 giờ đã kiểm soát hoàn toàn Nagorno - Karabakh và lực lượng ly khai chấp nhận giao nộp vũ khí. Có khoảng 120.000 người Armenia sinh sống tại Nagorno - Karabakh đã phải bắt đầu rời khỏi vùng đất này do lo ngại bị thanh trừng sắc tộc và tôn giáo.

Về phần mình, Nga nêu lý do để không bảo vệ Nagorno - Karabakh, cho rằng đây là CH tự xưng không thuộc diện bảo vệ theo hiệp ước an ninh chung và các nước khác trong CSTO cũng không ủng hộ Armenia.

Trong khi đó hôm 25-9, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đón tiếp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sang chúc mừng chiến thắng giải phóng Nagorno - Karabakh. Đáng chú ý, địa điểm cuộc gặp diễn ra tại CH tự trị  Nakhchivan vốn nằm tách rời, giáp với Armenia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Hãng tin Reuters, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận việc thành lập một hành lang trên bộ thông qua miền Nam Armenia (hiện việc đi lại giữa Nakhchivan và đất mẹ Azerbaijan chỉ bằng đường hàng không).

Vào ngày 5-10 tới, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và ông Aliyev sẽ tiến hành một cuộc gặp tại Tây Ban Nha với sự bảo sự của Liên minh châu Âu (EU). Cuộc hòa đàm giữa Armenia và Azerbaijan được cho không chỉ liên quan đến vấn đề Nagorno - Karabakh mà cả Nakhchivan và tương lai của Armenia trong quan hệ khu vực và châu Âu.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết