07/11/2015 - 17:04

Mỹ, Trung tranh giành thị trường UAV

Mỹ lâu nay là đối thủ "đáng gờm" đối với bất kỳ quốc gia nào về khả năng chế tạo máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc cũng không chịu thua kém khi đầu tư mạnh vào công nghệ này và có thể sẽ "gây khó dễ" cho Mỹ.

Tại triển lãm hàng không Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh hồi tháng 9, Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô đã trình làng mẫu UAV Wing Loong II (Dực Long II), phiên bản cải tiến của Wing Loong I. Các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy Wing Loong II có nhiều điểm tương đồng với chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ. Ở bước khởi động, cả hai UAV đều sử dụng một động cơ phản lực tuabin để vận hành. Nhưng nếu so về tốc độ bay tối đa và độ cao hoạt động, đại diện đến từ Mỹ lại vượt mặt đối thủ Trung Quốc. Reaper có thể bay ở độ cao hơn 15km và đạt vận tốc tối đa 444km/h trong khi Wing Loong II có thể bay nhanh nhất 370km/h với độ cao tối đa hơn 9km. Sức tải ở Reaper là hơn 1,7 tấn trong khi con số này của Wing Loong II chỉ hơn 470kg.

UAV Wing Loong II của Trung Quốc. Ảnh: wantchinatimes.com

Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm của khách hàng, Trung Quốc lại là sự lựa chọn hấp dẫn hơn so với Mỹ. Đầu tiên là việc Trung Quốc chào hàng bằng mức giá cực kỳ cạnh tranh- yếu tố khiến khách hàng trên khắp thế giới xem xét UAV của Bắc Kinh trước các nhà sản xuất khác. Wing Loong II được cho sẽ bán với giá khoảng 1 triệu USD, trong khi Reaper có giá đến 30 triệu mỗi chiếc. Ngoài ra, khách hàng dễ sở hữu công nghệ UAV của Trung Quốc hơn bởi những giới hạn nghiêm ngặt mà Mỹ đặt ra trong giao dịch thiết bị quốc phòng với nước khác. Washington yêu cầu khách hàng tiềm năng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nhân quyền và đảm bảo việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Do hoàn cảnh thực tế hiện nay ở hầu hết các quốc gia, rất ít đối tác thực sự đáp ứng được điều kiện của Mỹ.

Được biết, thị trường hàng đầu để Trung Quốc bán UAV cũng như các công nghệ quốc phòng khác là châu Phi và Trung Đông. Theo báo Want China Times, Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc mua Wing Loong. Ngoài ra, Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất và Uzbekistan cũng nằm trong số các quốc gia được cho đã mua UAV của Trung Quốc. Trong khi đó, Nigeria đã mua UAV Caihong-3 (Cầu Vồng-3) của Trung Quốc hồi năm 2014 để chống phiến quân Boko Haram.

Một nghiên cứu gần đây dự báo Trung Quốc sẽ chiếm hơn 50% giao dịch công nghệ UAV quốc tế trong 10 năm tới. Báo cáo cho rằng vào năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc sẽ chế tạo các hệ thống UAV trị giá 5,76 tỉ USD so với 2,57 tỉ USD mà hãng Northrop Grumman của Mỹ dự kiến đạt được.

THANH BÌNH (Theo ValueWalk)

Chia sẻ bài viết