MAI QUYÊN (Theo SCMP)
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể sức ảnh hưởng ở Đông Nam Á so với Mỹ, đặc biệt về đối ngoại và kinh tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo trước đây.
Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Lowy có trụ sở tại Úc công bố, Mỹ đang tiếp tục đánh mất ảnh hưởng vào tay Trung Quốc, vốn được đo dựa trên 4 chỉ số về quan hệ kinh tế, mạng lưới quốc phòng, ảnh hưởng ngoại giao và làn sóng văn hóa. Cụ thể, Trung Quốc trong năm 2018 đã dẫn trước Mỹ với tỷ số 52-48. Đến năm ngoái, khoảng cách này được nới rộng lên 54-46.
Về mặt tổng thể, sức mạnh của Trung Quốc nằm ở mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với các đối tác Đông Nam Á. Đặc biệt trên bán đảo Đông Dương, ảnh hưởng của Bắc Kinh vượt xa Mỹ với biên độ rất lớn. Đơn cử như ở Lào, độ chênh lệch ảnh hưởng kinh tế giữa Mỹ - Trung là 29 so với 71. “Ảnh hưởng của Trung Quốc mạnh nhất ở Lào, Campuchia và Myanmar, một phần do gần gũi về địa lý và sự thiếu tương tác từ Mỹ” - báo cáo cho biết. Bên cạnh đó, Trung Quốc đạt được sức hút ở Malaysia nhờ đẩy mạnh quan hệ ngoại giao và tăng cường đối thoại cấp cao về quốc phòng. Sau cuộc thay đổi chính trị hồi tháng 2-2020, đồng thời với cuộc khủng hoảng do đại dịch CÔVID-19 gây ra, các hoạt động liên quan ngoại giao và quốc phòng giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh bị thu hẹp đáng kể. Dù vậy, phát triển các mối quan hệ quốc phòng vẫn được xem là một trong những cách thức xây dựng lòng tin giữa 2 nước. Chiến lược tương tự được dự đoán nhìn thấy ở Indonesia.
So với Trung Quốc, Mỹ có mối liên kết lỏng lẻo về kinh tế với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Tính từ năm 2018, tổn thất ảnh hưởng lớn nhất của Mỹ là ở Malaysia khi giảm 7 điểm, tiếp theo là Brunei và Indonesia với mỗi nước giảm 5 điểm. Kể cả đồng minh thân cận Philippines, ảnh hưởng của Washington cũng không còn như trước khi Trung Quốc có hiện diện lớn hơn nhiều trong lĩnh vực thương mại và đầu tư hợp tác cùng Manila. Mỹ cũng trở nên ít quan trọng với tư cách là điểm đến hàng đầu cho các mặt hàng xuất khẩu của Philippines.
Bất chấp xu hướng đi xuống liên tục, vị thế của Washington trong cuộc đua quyền lực vẫn duy trì ở mảng quốc phòng và văn hóa. Trong đó, 2 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ là Philippines và Singapore. Điều này được phản ánh qua việc Manila cho phép Lầu Năm Góc mở rộng quyền tiếp cận 4 căn cứ quân sự mới trong bối cảnh lo ngại về hành vi cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Singapore từ năm 2019 đã ký gia hạn biên bản ghi nhớ mở rộng với Mỹ nhằm tạo điều kiện cho Lầu Năm Góc tiếp cận các căn cứ không quân, hải quân của hòn đảo; cung cấp hỗ trợ hậu cần cho nhân viên, máy bay và tàu hải quân Mỹ.
Về văn hóa, báo cáo ghi nhận sức ảnh hưởng của Washington nằm ở phạm vi tiếp cận của giới truyền thông, chẳng hạn như việc các hãng thông tấn, báo chí và đài truyền hình Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực. Ảnh hưởng truyền thông của Trung Quốc tuy kém hơn, nhưng nước này lại có hoạt động giao lưu giữa người với người nhiều hơn tại Đông Nam Á, chủ yếu nhờ kết nối du lịch và cộng đồng hải ngoại.
Nhìn chung, cách đo lường chỉ số ảnh hưởng như vậy có ý nghĩa quan trọng vì các mô hình nói lên bối cảnh rộng lớn mà nhiều quốc gia Đông Nam Á đưa ra những lựa chọn chiến lược. “Nếu các mối quan hệ kinh tế của Mỹ tiếp tục suy giảm với tốc độ tương tự trong 5 năm tới, ảnh hưởng tổng thể của Bắc Kinh sẽ vượt qua Washington” - Viện Lowy kết luận.