22/05/2019 - 18:33

Mỹ-Trung sẽ ‘’đụng” nhau tại Đối thoại Shangri-La? 

Trong khi thương chiến chưa có dấu hiệu xuống thang, giới quan sát tiếp tục theo dõi màn “chạm mặt” sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc tại Singapore khi hai cường quốc cử đại diện cấp cao tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á hay còn gọi Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ ngày 31-5 đến 2-6.

Dẫn đầu phái đoàn “hùng hậu” của Trung Quốc tham dự diễn đàn lần này là Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa (ảnh). Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh cử quan chức cấp bộ trưởng tham dự kể từ năm 2011. Một nguồn tin thân cận cho biết đoàn Trung Quốc còn bao gồm cựu Phó viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Quân sự, Trung tướng Hà Lôi; Đại tá Chu Ba-sĩ quan cấp cao Bộ Quốc phòng cùng nhiều học giả đại diện quân đội.

 Ảnh: Straits Times

Theo các chuyên gia phân tích quân sự, quy mô phái đoàn Trung Quốc phản ánh tầm quan trọng của sự kiện năm nay. Hoan nghênh sự hiện diện của Bộ trưởng Ngụy, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) John Chipman coi đây là cơ hội để các đại biểu đối thoại trực tiếp với một trong những nhân vật hàng đầu giới quân sự Trung Quốc.

Tin tức Bộ trưởng Ngụy Phụng Hòa dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 xuất hiện giữa thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung leo thang liên quan cuộc chiến thương mại và hoạt động quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong bài phát biểu được chờ đợi vào ngày 2-6, vị tướng cấp cao Trung Quốc dự kiến đề cập vai trò của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại thời điểm “then chốt” của khu vực. Phần phát biểu của ông Ngụy diễn ra một ngày sau khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan có bài diễn văn công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới.

 Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương Randall Schriver cho biết Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ưu tiên chính của Washington và quyền Bộ trưởng Shanahan được kỳ vọng sẽ khái quát tầm quan trọng của chiến lược này tại diễn đàn an ninh châu Á. Nói thêm về hoạt động tuần tra tự do hàng hải, ông Schriver xác định việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể nhân tạo ở Biển Đông đã thay đổi “nguyên trạng trên thực địa”. Không hy vọng Bắc Kinh lùi bước, ông Schriver cho biết chính sách của Mỹ là đảm bảo không quốc gia nào có thể thay đổi luật pháp quốc tế đối với hiện trạng trên Biển Đông. Trong động thái được cho thách thức toan tính của Bắc Kinh, Mỹ hồi tuần rồi đã điều khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble áp sát bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Theo ông Schriver, nhiều quốc gia khác cũng đang thực hiện các cuộc tuần tra như vậy và Washington vẫn tiếp tục hỗ trợ các đối tác Thái Bình Dương tăng cường khả năng giám sát hàng hải.

Cùng với Mỹ, Nhật Bản gần đây cũng nhấn mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai quốc gia đồng minh đã tiến hành nhiều hoạt động chung ở Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hôm 18-5, tàu chiến hai nước đã tham gia tập trận chung tại Eo biển Malacca nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các đồng minh để ngăn chặn nguy cơ xâm lược, đồng thời thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực. Trong diễn biến liên quan, Chính phủ Nhật Bản còn dự kiến hợp tác với Ấn Độ xây dựng cảng Colombo, một cảng chiến lược của Sri Lanka. Động thái trên được cho là nhằm cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai, Con đường” mà Trung Quốc khởi xướng.

MAI QUYÊN (Theo SCMP, USNI News)

Chia sẻ bài viết