02/08/2019 - 11:30

Mỹ trừng phạt Ngoại trưởng Iran 

Mỹ ngày 31-7 áp đặt lệnh trừng phạt lên Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (ảnh), giáng đòn mạnh vào kênh ngoại giao chính giữa Tehran và phương Tây.

Ảnh: VOA

Ảnh: VOA

“Ông Zarif thực thi chương trình liều lĩnh của Lãnh tụ tối cao Iran (Ali Khamenei) và là người phát ngôn chính cho chính quyền nước này trên khắp thế giới. Mỹ đang gửi thông điệp rõ ràng đến Tehran rằng những hành vi gần đây của họ hoàn toàn không thể chấp nhận được” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nêu trong thông báo. Theo đó, các biện pháp trừng phạt sẽ đóng băng bất cứ tài sản hoặc lợi ích nào mà nhà ngoại giao 59 tuổi có tại xứ cờ hoa. Washington cũng đang cân nhắc có cấp thị thực cho ông này hay không, bao gồm các chuyến đi tới trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ).

Đáp lại, Ngoại trưởng Iran tố ngược Washington đang tìm cách “khóa miệng” nước này trên trường quốc tế. “Lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến tôi hoặc gia đình tôi vì tôi không có tài sản hoặc lợi ích bên ngoài Iran. Cảm ơn vì đã coi tôi như mối đe dọa lớn đối với chương trình nghị sự của các ông” - ông Zarif viết trên Twitter. Ngoại trưởng Zarif là trưởng đoàn đàm phán về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vốn được ký năm 2015 giữa Cộng hòa Hồi giáo và 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức.

Ngay sau khi lệnh trừng phạt ông Zarif được công bố, Nhà Trắng cũng thông báo đến Quốc hội Mỹ rằng họ đã quyết định gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt thêm 90 ngày, cho phép các công ty Nga, Trung Quốc và châu Âu tiếp tục hợp tác hạt nhân dân sự với Iran. Lệnh miễn trừ này hết hạn vào ngày 1-8. Lệnh miễn trừ nói trên là những yếu tố cuối cùng còn lại trong JCPOA mà phía Mỹ vẫn còn công nhận sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Washington khỏi văn kiện lịch sử này hồi tháng 5-2018.

Trong phản ứng mới nhất, Tổng thống Iran Hassan Rouhani mỉa mai rằng biện pháp trừng phạt mới của chính quyền Trump là “trò trẻ con”. “Người Mỹ đang sử dụng hành vi trẻ con. Mỗi ngày họ đều rêu rao muốn đàm phán với Iran mà không cần điều kiện tiên quyết nào, để rồi họ áp đặt trừng phạt lên ngoại trưởng của chúng tôi. Một đất nước tin rằng họ mạnh như một siêu cường thế giới đang phải sợ hãi trước những cuộc trả lời phỏng vấn của ngoại trưởng chúng tôi” – ông Rouhani đề cập đến việc Ngoại trưởng Zarif đăng đàn trên báo chí quốc tế nhân dịp ông đến New York dự hội nghị Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng 7.  “Nền tảng của Nhà Trắng đang bị lung lay bởi những lời lẽ của một nhà ngoại giao mẫn cán và có hiểu biết” – ông Rouhani nói thêm.

Hôm 31-7, Đức đã tuyên bố sẽ không tham gia liên minh đảm bảo an ninh hàng hải tại Eo biển Hormuz do Mỹ dẫn đầu.

Sáng kiến về Liên minh An ninh Hàng hải được Mỹ đưa ra hồi tháng trước, trong đó kêu gọi các đồng minh, bao gồm Đức, Pháp và Anh, đưa tàu chiến tới Trung Đông để cùng tuần tra tại Eo biển Hormuz nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định Berlin không tham gia sứ mệnh vì nhận thấy chiến lược “gây áp lực tối đa” của Mỹ lên Iran là “sai lầm”. Theo ông, tình hình hiện nay tại Vùng Vịnh rất nghiêm trọng và cần nỗ lực để tránh căng thẳng leo thang. Lời khước từ của Berlin lập tức vấp phải những chỉ trích từ phía Washington. “Đức là cường quốc kinh tế lớn nhất ở châu Âu. Thành công này buộc họ phải chịu trách nhiệm toàn cầu” - Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell ngày 1-8 bày tỏ sự thất vọng.

 

THANH BÌNH (Theo AFP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết