Ở Trung Quốc, tin tức về những mảnh tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống Ấn Ðộ Dương không chỉ được xem như một lời minh oan, mà còn được truyền thông sử dụng để lập luận rằng việc thế giới chú ý quá nhiều về vụ này chỉ là nỗ lực của phương Tây nhằm làm mất uy tín và cản trở quá trình phát triển chương trình không gian của Bắc Kinh.
Tên lửa Trường Chinh 5B. Ảnh: AFP
Hôm 29-4, tên lửa Trường Chinh 5B, dài 30m và nặng hơn 21 tấn, được phóng lên không gian, mang theo mô-đun đầu tiên của Trạm không gian Thiên Cung lên quỹ đạo. Cũng từ đó, tên lửa lớn nhất của Trung Quốc bắt đầu giai đoạn rơi tự do, làm dấy lên lo ngại những phần còn lại của nó sẽ không bị đốt cháy hết và có thể rơi xuống khu vực dân cư. Cuối cùng, ngày 9-5, Văn phòng Kỹ thuật không gian có người lái Trung Quốc lên tiếng xác nhận hầu hết các bộ phận của tên lửa đã bị tách rời và thiêu rụi khi lao vào bầu khí quyển. Riêng phần còn lại đã rơi xuống vùng biển phía Tây Maldives ở Ấn Ðộ Dương.
Ðối với nhiều người theo dõi vụ việc, thông tin trên giúp họ thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cáo buộc các nhà khoa học Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) “hành động trái với lương tâm”. Báo này nói giới khoa học Mỹ đã ganh tị với sự tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc trong công nghệ không gian, đồng thời cho rằng “nỗ lực cường điệu và bôi nhọ” của họ đã không mang lại kết quả.
Trung Quốc vốn chậm chân trong công cuộc khám phá không gian, phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1970, tức lần lượt 13 năm và 12 năm sau khi Liên Xô cũ và Mỹ làm được điều tương tự. Nhưng trong những thập niên gần đây, Bắc Kinh bức tốc trong cuộc đua không gian mà nổi bật nhất là trở thành quốc gia đầu tiên phóng tàu thăm dò (Hằng Nga-4) lên vùng tối của Mặt trăng vào năm 2019. Năm ngoái, tàu vũ trụ Hằng Nga-5 thậm chí còn thu thập và mang thành công mẫu đất đá từ chị Hằng về Trái đất.
Trung Quốc biện minh cách xử lý tên lửa
Liên quan vụ tên lửa Trường Chinh 5B, Giám đốc NASA Bill Nelson hôm 9-5 đã phê phán Trung Quốc thiếu trách nhiệm và minh bạch trong việc giảm thiểu nguy cơ từ việc các vật thể không gian quay lại khí quyển. Ông cho rằng Bắc Kinh “đã không đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm” trong việc xử lý mảnh vỡ không gian. Ðáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng nước này đang bị đối xử bất công. Bà Hoa dẫn chứng trường hợp khi mảnh vỡ tên lửa của Công ty vũ trụ SpaceX (Mỹ) rơi xuống trang trại ở bang Washington hồi tháng 3, truyền thông xứ cờ hoa đã sử dụng những “ngôn từ lãng mạn” như “sao băng thắp sáng bầu trời đêm” để mô tả. Nhưng khi đến lượt Trung Quốc thì lại là cách tiếp cận hoàn toàn khác. Bà Hoa nhấn mạnh Trung Quốc đã theo dõi sát sao đường đi của tên lửa và đưa ra những thông báo trước về tình huống tái nhập khí quyển.
Theo Zhang Borong, kỹ sư thiết kế tên lửa tại Học viện Công nghệ thiết bị phóng Trung Quốc, không đúng khi nói rằng trường hợp tái nhập khí quyển của Trường Chinh 5B là không thể dự đoán được về điểm rơi. Ðiều không thể làm được là đưa ra dự đoán chính xác bởi quá trình tái nhập có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm thay đổi nhỏ về môi trường khí nén. Chuyên gia Zhang khẳng định không quốc gia nào có khả năng dự đoán một cách chính xác hình dáng, kích cỡ hoặc số lượng mảnh vỡ của những tên lửa này hoặc phạm vi tiếp đất của chúng.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ vì sao Trung Quốc lại đưa phần lõi tên lửa bay vào vùng quỹ đạo, thay vì để tên lửa đẩy ở phần dưới quỹ đạo như các quốc gia khác thường làm nhằm đảm bảo an toàn cho mặt đất khi nó tái nhập. Thông thường, các nhà sản xuất tên lửa áp dụng biện pháp phòng ngừa để tránh mảnh vỡ rơi, nhưng tên lửa Trường Chinh 5B lại không có bộ trợ lực lái, hệ thống ổn định và động cơ có thể khởi động lại.
Trường Chinh 5B là vật thể không gian lớn nhất quay về địa cầu trong tình trạng “mất kiểm soát” trong gần 3 thập niên qua. Tên lửa này chỉ là 1 trong 11 vụ phóng mà Bắc Kinh cần thực hiện để đưa toàn bộ mô-đun của Trạm không gian Thiên Cung lên quỹ đạo.
HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)