05/08/2019 - 17:56

Mỹ, Trung giành “miếng bánh” thanh toán số Ấn Độ 

Lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số đang bùng nổ của Ấn Độ hiện trở thành “đấu trường” giữa các nhà đầu tư Mỹ và Trung Quốc.

Ứng dụng thanh toán Paytm cạnh tranh quyết liệt với đối thủ PhonePe ở Ấn Độ. Ảnh: FT

Theo đó, giới đầu tư từ hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đã mạnh tay đổ tiền vào ngành công nghiệp mới nổi này. Hiện ứng dụng thanh toán Paytm với sự hậu thuẫn của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đang đối đầu với ứng dụng PhonePe của Tập đoàn bán lẻ đa quốc gia Walmart của Mỹ tại Ấn Độ. Trong khi đó, các “ông lớn” công nghệ xứ cờ hoa như Google, Amazon và WhatsApp đang rục rịch tung ra nền tảng thanh toán riêng của mình. Các công ty khởi nghiệp khác của Trung Quốc như Truecaller, Razorpay và BharatPe cũng đang tranh giành “miếng bánh” này.

Kể từ năm 2015, Alibaba giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số của Ấn Độ khi mà một nửa vốn đầu tư của hãng thương mại điện tử Trung Quốc tại quốc gia Nam Á là dành cho Paytm. Còn Walmart hồi năm ngoái đã chi 16 tỉ USD để mua lại PhonePe từ Hãng thương mại điện tử Flipkart. Điều đó phản ánh cuộc đua giành thị phần đầy cam go giữa Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ.

Thời báo Kinh tế cho biết, giới đầu tư Trung Quốc và Mỹ nhảy vào lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ sau khi họ gần như không thể thâm nhập vào các thị trường khác, một phần là do cuộc chiến thương mại không hồi kết giữa Washington và Bắc Kinh. “Ấn Độ thực sự là nền tảng cạnh tranh ban đầu. Về lâu dài, khi bạn đạt đến trạng thái ổn định, bạn sẽ có 3 hoặc 4 đối thủ cạnh tranh. Ấn Độ là quốc gia lớn duy nhất, nơi mà bạn có thể thấy công ty Mỹ lẫn Trung Quốc đổ tiền đầu tư. Đó là lý do tại sao bạn có thể thấy diễn ra rất nhiều hoạt động đầu tư” - Nandan Nilekani, nhà đồng sáng lập “gã khổng lồ” công nghệ Ấn Độ Infosys, nhận định.

Sở dĩ giới đầu tư Trung Quốc và Mỹ chuộng thị trường Ấn Độ bởi nước này có tới 450 triệu người dùng Internet di động, gấp đôi lượng người dùng Internet di động của Mỹ. Công ty phân tích tài chính lớn nhất thế giới Pricewaterhouse Coopers (PwC) dự đoán, con số này sẽ đạt mức 667 triệu vào năm 2022. Một lý do nữa là do Ấn Độ được dự đoán sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất thế giới về giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số trong giai đoạn 2019-2023, với mức tăng trưởng hàng năm là 20,2%, cao hơn cả Trung Quốc và Mỹ với mức tăng trưởng lần lượt là 18,5% và 8,6%. Theo nghiên cứu mới đây của PwC, giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt con số 135,2 tỉ USD vào năm 2023, gấp đôi so với con số chỉ  64,8 tỉ USD trong năm nay, nhờ vào sự trỗi dậy của thương mại kỹ thuật số, sự đổi mới trong công nghệ thanh toán bằng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), thanh toán theo thời gian thực và các thiết bị bán hàng di động (POS).

Không chỉ cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, các công ty Mỹ và Trung Quốc còn “so kè nhau” trong nhiều lĩnh vực khác ở Ấn Độ. Chẳng hạn, Tập đoàn công nghệ Tencent của Trung Quốc đã đầu tư vào nhiều công ty, gồm hãng cung cấp ứng dụng dịch vụ Ola, đối thủ cạnh tranh chính của công ty cung cấp dịch vụ gọi xe trực tuyến hàng đầu Mỹ Uber tại Ấn Độ. Không những vậy, Tencent và Alibaba lần lượt đầu tư vào các nền tảng giao hàng thực phẩm Swiggy và Zomato, còn Amazon và Walmart cũng đã bơm hàng tỉ USD để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử của mình tại Ấn Độ.

Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường CB Insights, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường đầu tư công nghệ tài chính hàng đầu châu Á trong quý I-2019. Còn theo hãng phân tích dữ liệu Tracxn, nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ 3,5 tỉ USD vào ngành công nghệ Ấn Độ trong năm 2018, gần gấp đôi so với năm 2017.

TRÍ VĂN (Theo FT, Business Today)

Chia sẻ bài viết