22/04/2022 - 23:39

Mỹ, Trung chạy đua quân sự hóa vũ trụ ảo? 

Vũ trụ ảo (metaverse) là thế giới kỹ thuật số song song với thế giới thực,  kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Trong khi khái niệm và công nghệ vẫn còn sơ khai, vũ trụ ảo sở hữu nhiều ứng dụng quốc phòng đa dạng và quan trọng, từ huấn luyện, lập kế hoạch đến mô phỏng nhiệm vụ, thiết kế vũ trụ và thậm chí cả các hoạt động chiến đấu. Tiềm năng đó đã khiến Mỹ và Trung Quốc chạy đua vào lộ trình chinh phục vũ trụ ảo.

Một hệ thống mô phỏng quân sự dựa theo công nghệ vũ trụ ảo. Ảnh: Asia Times

Một hệ thống mô phỏng quân sự dựa theo công nghệ vũ trụ ảo. Ảnh: Asia Times

Tờ The Sun dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc hồi tháng 3 cho biết, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho chiến tranh vũ trụ ảo nhằm gây “ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức và việc ra quyết định hành động của đối phương”. Theo báo cáo, các chuyên gia Trung Quốc đưa ra 3 cách đối đầu trong vũ trụ ảo, gồm đối đầu nền tảng, tấn công hệ thống chuỗi cung ứng và đánh lạc hướng gián tiếp. Trong đó, đối đầu nền tảng là cuộc tấn công “để phá vỡ, trì hoãn, ngăn chặn, phá hủy và loại bỏ sự tồn tại và hoạt động hệ thống vũ trụ ảo của đối thủ”; tấn công hệ thống sẽ là “tấn công và chặn các nút chính cũng như chuỗi hoạt động công nghệ hỗ trợ vũ trụ ảo của kẻ thù”; còn đánh lạc hướng gián tiếp có thể “làm hỏng các thiết bị công nghệ truyền thông và sử dụng các phương tiện đánh lừa để thay đổi chức năng hệ thống vũ trụ ảo của đối thủ”.

Tương tự như vậy, trong bài báo được đăng tải trên Tạp chí Hiệp hội Chuyên gia Không gian mạng Quân sự hồi tháng rồi, nhà nghiên cứu Josh Baughman thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ viết rằng Trung Quốc coi vũ trụ ảo là “không gian nhận thức song song, kết hợp một cách chặt chẽ với các kịch bản chiến đấu thực tế, nơi chiến tranh nhận thức có thể được nâng cao một cách hiệu quả với tốc độ nhanh chóng”.

Theo ông Baughman, Bắc Kinh xem Mỹ là nước đi trước rất xa trong công nghệ vũ trụ ảo nhưng tự cho rằng Trung Quốc vượt trội về quan điểm văn hóa. Dẫn ví dụ về TikTok, ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc gần đây đã hiện diện khắp hành tinh và đang nhanh chóng giành lấy thị phần từ mạng xã hội Facebook của Mỹ, ông Baughman nhấn mạnh rằng “Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ cạnh tranh trong vũ trụ ảo”.

Thế nhưng, Mỹ được cho đang dẫn đầu trong phát triển công nghệ vũ trụ ảo khi mà các tập đoàn lớn như Meta và một số “gã khổng lồ” công nghệ ở Thung lũng Silicon đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này. “Trong nhiều thập niên qua, Mỹ luôn dẫn đầu trong thế giới ảo và không gian. Và theo ý kiến của tôi cũng như của nhiều người khác, Mỹ vẫn đang ở thế dẫn đầu trong lĩnh vực vũ trụ ảo” - Elmer Francisco, Giám đốc điều hành Quỹ VetCoin, nhận định.

Ông Francisco nói rằng vũ trụ ảo chính là bước tiến hóa tiếp theo của vũ khí, sau máy bay không người lái (UAV). “Trước đây, mọi người sử dụng kiếm để chiến đấu. Ngày nay, mọi người sử dụng súng và các loại vũ khí khác. Đến lượt nhiều quốc gia đã sử dụng UAV. Tương tự như vậy, trong vũ trụ ảo, binh lính đang dùng máy tính để tham gia chiến tranh mạng. Họ không chỉ cần biết cách chiến đấu tay đôi mà còn cả cách viết mã và phải có khả năng điều khiển tên miền ảo” - ông Francisco nhận định. 

Thật vậy, giới phân tích cho rằng tương lai của vũ trụ ảo chắc chắn sẽ được định hình bởi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi cả 2 siêu cường kình địch này đều có khả năng tạo ra các vũ trụ ảo phản ánh quan điểm của họ về hoạt động quân sự, về việc ra các quyết định chính trị cũng như về các giá trị cốt lõi.

Theo nhà triết học Pháp Jean Baudrillard, khái niệm vũ trụ ảo được dựa trên những ý tưởng về mô phỏng và siêu thực. Trong bối cảnh quốc phòng và an ninh, vũ trụ ảo có thể mô hình hóa chính xác mức độ phức tạp trải nghiệm của con người cần có trong các hoạt động quân sự đương đại, từ đó làm dấy lên nghi vấn về các tiêu chuẩn được áp dụng trong sự phát triển của vũ trụ ảo. Thời gian gần đây, cuộc đua của các tỉ phú công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ ảo đang trở nên rất  quyết liệt, nhất là từ sau khi Facebook đổi tên thành Meta hồi cuối tháng 10-2021. Hãng tin Bloomberg cho hay, giá trị thị trường của vũ trụ ảo năm 2020 đạt gần 500 tỉ USD và có thể lên tới 800 tỉ USD vào năm 2024.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết