 |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (trái) gặp Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani ngày 21-1 tại Islamabad. Ảnh: Reuters |
Hãng tin UPI của Mỹ tại Islamabad ngày 26-1 cho biết, nhân chuyến thăm Pakistan mới đây, ông chủ Lầu Năm Góc Robert Gates khẳng định rằng Washington đang xem xét trang bị cho Pakistan máy bay do thám có người lái lẫn không người lái. Theo nhiều nguồn tin, số tiền mà Lầu Năm Góc dự định hỗ trợ quân sự cho Pakistan tương đương với giá trị của 12 chiếc máy bay không người lái hiệu RQ-7 Shadow. Loại này có chiều dài hơn 3,35 mét, sải cánh hơn 4,26 mét, được lắp đặt các máy cảm biến phát hiện mục tiêu và hệ thống camera ghi lại hình ảnh rồi gởi về cho các đơn vị tác chiến dưới mặt đất. Đây được coi là nỗ lực mới của Mỹ nhằm tìm kiếm sự hợp tác của Islamabad trong cuộc chiến chống các tay súng Hồi giáo nổi loạn tại các vùng biên giới Pakistan giáp Afghanistan, đặc biệt là vào thời điểm Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự bí mật trên phần lãnh thổ Pakistan.
Báo chí Pakistan cho biết RQ-7 Shadow nhỏ hơn những chiếc Predator và Reaper mà Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thường xuyên sử dụng trong thời gian gần đây, và nhất là không có khả năng tấn công bằng tên lửa vào mục tiêu bị phát hiện. Theo Thời báo New York, việc Lầu Năm Góc lần đầu tiên tài trợ hơn một chục máy bay do thám không người lái cho Pakistan là nhằm thuyết phục Islamabad hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ trên vùng lãnh thổ Pakistan. Tuy nhiên, người phát ngôn quân đội Pakistan, Thiếu tướng Athar Abbas, nhấn mạnh quân đội nước này hiện nay không có kế hoạch phát động chiến dịch quân sự mới trong vòng ít nhất 6 tháng tới sau các chiến dịch truy quét Taliban ở Nam Warizistan từ hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuy vậy, phát biểu trước các quan chức cao cấp làm việc tại khu vực Nam Á ngày 25-1 ở Washington, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, Đô đốc Mike Mullen khẳng định quân đội Mỹ và Pakistan đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. Báo Pháp Le Monde ngày 26-1 cho biết CIA lần đầu tiên thực hiện các hoạt động quân sự trên phần lãnh thổ Pakistan là vào năm 2004 và hoạt động này gia tăng từ mùa Hè năm 2008. Sau khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama cũng chủ trương mở rộng hoạt động của CIA ở Pakistan như là phần trọng tâm trong chiến lược mới của Mỹ tại khu vực Nam Á.
Theo thống kê của báo Long War Journal, số lần CIA sử dụng máy bay không người lái tấn công các mục tiêu mà họ cho là “nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố” trên lãnh thổ Pakistan đã tăng từ 36 đợt năm 2008 lên 53 đợt năm 2009. Và từ khi xảy ra vụ một điệp viên hai mang đánh bom tự sát nhằm vào căn cứ của CIA tại Afghanistan làm 7 nhân viên của cơ quan này thiệt mạng, tính đến ngày 19-1, nhiều khu vực ở vùng biên giới Pakistan đã hứng chịu 11 lượt không kích bằng máy bay không người lái do CIA tiến hành làm hàng trăm người thương vong, phần lớn là dân thường, buộc chính phủ Pakistan phải lên tiếng phê phán Mỹ “vi phạm chủ quyền quốc gia” nhằm xoa dịu làn sóng bất bình của dư luận trong nước.
KIẾN HÒA
(Theo UPI, AP, Nytimes, Le Monde)