14/10/2021 - 09:08

Mỹ thua Trung Quốc trong cuộc đua AI? 

Nicolas Chaillan, cựu giám đốc phần mềm của Lầu Năm Góc mới đây nhận định Trung Quốc đang hướng tới tham vọng thống trị toàn cầu nhờ những tiến bộ trong ngành trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và khả năng kiểm soát không gian mạng, trong bối cảnh tốc độ đổi mới trong những lĩnh vực này của Mỹ, đặc biệt là AI, diễn ra tương đối chậm.

“Sinh viên ảo” Hoa Trí Băng do Trung Quốc phát triển. Ảnh: AP

“Cuộc đua đã kết thúc”

Nhận định của ông Chaillan trùng khớp với dự đoán của các báo cáo tình báo phương Tây rằng Trung Quốc trong thập niên tới sẽ thống trị thế giới bằng nhiều công nghệ mới nổi như AI, sinh học tổng hợp và di truyền học. “Chúng ta không có cơ hội nào để cạnh tranh với Trung Quốc trong vòng 15-20 năm tới khi mà ngay bây giờ, mọi chuyện đã xong xuôi rồi. Theo ý kiến của cá nhân tôi, cuộc đua đã kết thúc. Một số hệ thống phòng thủ mạng của Mỹ hiện chỉ ở “cấp mẫu giáo” - ông Chaillan phát biểu với tờ Financial Times.

Theo Hãng tin Reuters, ông Chaillan tuyên bố từ chức hồi tháng rồi trong một động thái nhằm phản đối tốc độ phát triển công nghệ chậm chạp của Mỹ, một phần là do các công ty như Google do dự làm việc với chính phủ về phát triển AI và do những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề đạo đức AI. Ngược lại, các công ty Trung Quốc đều có nghĩa vụ hợp tác với Bắc Kinh và sẵn sàng đầu tư mạnh tay vào AI mà không cần quan tâm vấn đề đạo đức. Ông này cho rằng việc Mỹ không tích cực theo đuổi năng lực AI đang khiến xứ cờ hoa gặp rủi ro.

Trước đó, Ủy ban An ninh quốc gia về AI hồi tháng 3 cũng đã đưa ra cảnh báo rằng có thể Washington đã đánh mất thế chủ động vào tay Bắc Kinh trong lĩnh vực này, và cuộc chạy đua AI giữa 2 cường quốc có thể tạo ra nhiều tác động lớn đối với kinh tế toàn cầu.

Thật ra, nhận định của ông Chaillan cũng như cảnh báo của Ủy ban An ninh Quốc gia về AI không phải là vô căn cứ. Năm 2019, Trung Quốc lần đầu vượt qua Mỹ về số đăng ký bằng sáng chế liên quan đến AI với khoảng 110.000 đơn. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã lần đầu vượt Mỹ về số trích dẫn nghiên cứu học thuật liên quan đến AI. Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã phát hành 240.000 bài báo học thuật về AI, vượt xa Mỹ với số lượng xuất bản 150.000 bài.

Năm 2017, Trung Quốc công bố “Kế hoạch phát triển AI thế hệ tiếp theo”, vạch lộ trình đưa nước này lên vị thế dẫn đầu với một ngành công nghiệp AI trị giá 150 tỉ USD. Ðến nay, Trung Quốc đạt không ít thành tựu trong lĩnh vực AI. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của “sinh viên ảo” Hoa Trí Băng. Hoa được trang bị khả năng học hỏi thông qua các dữ liệu văn bản, hình ảnh và video, với khả năng nhận thức tương đương đứa trẻ 6 tuổi, cũng như được trang bị khả năng vẽ và làm thơ, và đang được phát triển khả năng thiết kế trang web. Hồi tháng 6 vừa qua, “sinh viên ảo” này đã ghi danh vào Ðại học Thanh Hoa danh giá tại Bắc Kinh. Ðược biết, Hoa được phát triển bởi 100 nhà nghiên cứu, dựa trên Wudao 2.0 - mô hình AI do Học viện AI Bắc Kinh thiết kế.

Ngoài ra, chính quyền các cấp tại Trung Quốc cũng đang ứng dụng AI cho mọi việc, từ kiểm soát đại dịch COVID-19, chống tham nhũng đến giám sát các tụ điểm phi pháp, trong khi các nhà giáo dục Trung Quốc đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động giảng dạy và luyện thi.

Ông Biden quyết thắng

Tuy nhiên, Mỹ cũng không chịu “ngồi yên”. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin mới đây tiết lộ Washington sẽ dành gần 1,5 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển AI trong 5 năm tiếp theo để giành chiến thắng trong cuộc đua với Trung Quốc. Ông Austin nhấn mạnh rằng việc sử dụng AI phải “có trách nhiệm, công bằng, có thể truy vết, đáng tin cậy và có thể kiểm soát được”.

Hồi tháng 6, Thượng viện Mỹ thông qua Ðạo luật cạnh tranh và sáng tạo nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn, phát triển AI và các công nghệ khác với tổng số tiền lên đến khoảng 250 tỉ USD trong 5 năm tới. Số vốn này được cho giúp Mỹ đủ sức chạy đua sáng tạo công nghệ trước Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden tự tin tuyên bố khi gói hỗ trợ này được thông qua: “Chúng ta đang cạnh tranh để giành thắng lợi trong thế kỷ 21 và tiếng súng lệnh đã bắt đầu”.

Giới phân tích nhận định tuy Trung Quốc bức phá đáng kinh ngạc về AI, nhưng các công ty nước này thiếu động lực mạnh mẽ để đầu tư phát triển công nghệ lõi của AI. Khác với các nền kinh tế phát triển của phương Tây, nơi đa số doanh nghiệp nắm giữ bản quyền AI thì tại Trung Quốc, phần lớn bằng sáng chế do các đại học và viện nghiên cứu do nhà nước sở hữu hoặc tài trợ nắm giữ. Thế nên việc chuyển giao công nghệ AI tại Trung Quốc rất hạn chế.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại, xung đột quyền sở hữu trí tuệ, chủ nghĩa bảo hộ vả bảo vệ dữ liệu cá nhân là những thách thức lớn của Trung Quốc trong cuộc chạy đua về công nghệ AI với Mỹ và các đối thủ quốc tế khác.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết