25/03/2021 - 06:41

Mỹ thắt chặt quan hệ với các quốc đảo 

Mỹ gần như đang thiếu đi khả năng ứng phó sức ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR). Để khắc phục, ngoài việc củng cố nhóm Bộ tứ (cùng với Nhật, Ấn Độ và Úc), Washington còn tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc đảo nhỏ.

Một khu chợ ở Bắc Kinh trưng bày sản phẩm của những quốc gia nằm trong sáng kiến BRI.

Một khu chợ ở Bắc Kinh trưng bày sản phẩm của những quốc gia nằm trong sáng kiến BRI.

Trong báo cáo công bố hôm 23-3, cựu quan chức thương mại Jennifer Hillman xác nhận Trung Quốc nhờ vào sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường” (BRI) đã mở rộng quyền lực trên toàn cầu, thậm chí có phần vượt Mỹ tại châu Phi và châu Á. Về phần mình, các thế lực bảo thủ xứ cờ hoa có xu hướng giải thích BRI là “công cụ địa chiến lược” và “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia. Washington sau đó cũng ưu tiên xây dựng mạng lưới kết nối khắp châu Á nhưng dường như chưa đáp ứng được nhu cầu vốn có của khu vực. So với một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán, bà Hillman cho rằng việc Mỹ không có hành động cụ thể, thậm chí rút lui khỏi sân khấu toàn cầu là nguyên nhân chính làm giảm sức mạnh của nước này về kinh tế lẫn chiến lược. “Chúng ta phải quay trở lại cuộc chơi” - bà Hillman khẳng định tại diễn đàn trực tuyến của CFR.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ từng thông qua các biện pháp chiến lược, kinh tế và chính trị như xây dựng cơ chế, ký kết thỏa thuận đối tác, định hướng tài chính, triển khai các dự án hợp tác xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó tác động toàn diện của BRI. Cùng mục tiêu trên, đương kim Tổng thống Joe Biden lại tập trung tăng cường liên kết thương mại tự do giữa các quốc gia đồng minh và đối tác, đặc biệt là cộng đồng nước nhỏ dễ chịu sức ép từ Trung Quốc.

Hiện thực hóa chiến lược này, Nhà Trắng hôm 22-3 cho công bố sáng kiến ​​Các nền kinh tế đảo nhỏ và ít dân cư (SALPIE). Trong thông cáo báo chí, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Emily Horne nói rõ SALPIE quy tụ 29 cơ quan ban ngành chịu trách nhiệm điều phối tiến trình hợp tác với các quốc đảo và vùng lãnh thổ ở khu vực Caribe, Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Mục tiêu là giải quyết hậu quả khủng hoảng nhân đạo và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác trong hệ thống tổ chức quốc tế, chống lại hoạt động đầu tư của những “kẻ săn mồi”, thúc đẩy lợi ích chung dài hạn.

Theo giới quan sát, các quốc đảo Thái Bình Dương từ lâu đã duy trì quan hệ tốt với Mỹ và Úc. Nhưng gần đây, nhiều nước bắt đầu quay sang củng cố quan hệ với Trung Quốc khi Bắc Kinh thúc đẩy chiến lược “quyến rũ” bằng ngoại giao và kinh tế. Thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc thậm chí bắt đầu len lỏi vào “sân sau” của Mỹ với cam kết cung cấp vaccine và tăng cường hỗ trợ các quốc gia vùng Caribe thông qua nhiều khoản vay ưu đãi. Tháng rồi, một trong những đồng minh lớn cuối cùng của Đài Loan trong khu vực là Paraguay đã liên hệ với Trung Quốc về việc cung cấp vaccine. Với vị thế quan trọng của Mỹ Latinh và Caribe như trung tâm logistics, ngân hàng và thương mại ở khu vực, Giáo sư quan hệ quốc tế Yu Nanping tại Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) cho rằng Mỹ chắc chắn phải cảnh giác trước bất kỳ động thái nào của Bắc Kinh ở đây.

Ngày 23-3, Pháp, Đức và một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác đã triệu đại sứ Trung Quốc tại những nước này để phản đối việc Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 10 cá nhân và 4 thực thể của EU, với lý do những đối tượng này gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật. Đáp lại, phía Trung Quốc cùng ngày đã lên án mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Canada, Anh và EU áp đặt lên các cá nhân và thực thể Trung Quốc, trong đó có một thực thể nhà nước và 4 quan chức, với lý do quan ngại vấn đề nhân quyền.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết