29/11/2011 - 09:02

Mỹ sẽ từ bỏ căn cứ không quân ở Pakistan ?

Dân Pakistan nổi giận biểu tình đốt hình nộm của Tổng thống Mỹ Obama sau “sự cố ngày 26-11”. Ảnh: Dawn

Vụ máy bay chiến đấu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tấn công hai chốt quân cảnh của Pakistan tại một khu vực biên giới cách Afghanistan 300m sáng 26-11, làm ít nhất 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng và 13 người bị thương, đã một lần nữa tác động xấu đến mối quan hệ đồng minh giữa hai nước mà thời gian gần đây luôn trong cảnh “cơm không lành canh không ngọt”. Vấn đề nghiêm trọng mới hiện nay là Islamabad yêu cầu Washington từ bỏ căn cứ không quân chiến lược Shamsi ở tỉnh Tây Nam Baluchistan.

Sau khi thông tin về vụ tấn công gây thương vong lớn được báo chí đăng tải ngày 27-11, các phe phái chính trị đối lập và Hồi giáo trên khắp Pakistan đã huy động hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình lên án giới cầm quyền Mỹ. Những người biểu tình đốt cờ Mỹ và các hình nộm của Tổng thống Barack Obama.

Trước đó, cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban Quốc phòng Nội các Pakistan đã ra tuyên bố sẽ xem xét lại tất cả các thỏa thuận, chương trình và hoạt động hợp tác với Mỹ và NATO tại Afghanistan, trong đó có vấn đề ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo, đồng thời giữ nguyên quyết định tạm thời phong tỏa đường tiếp vận cho quân Mỹ và đồng minh ở Afghanistan. Đặc biệt, ủy ban này ra thời hạn 15 ngày các lực lượng Mỹ phải rút khỏi căn cứ không quân Shamsi, vốn bí mật được sử dụng để triển khai cuộc chiến tại Afghanistan cuối năm 2001 sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên Pakistan đóng cửa đường tiếp vận của NATO hay yêu cầu Mỹ chấm dứt sử dụng căn cứ không quân Shamsi. Năm ngoái, đường hậu cần của NATO bị đóng băng 11 ngày sau khi máy bay lên thẳng của họ xâm phạm không phận Pakistan và bắn vào một nhóm dân quân bán vũ trang làm 2 người thiệt mạng. Sự vụ đã được giải quyết khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và giới lãnh đạo NATO đưa ra lời xin lỗi Islamabad. Đường vận tải từ Pakistan rất quan trọng, chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng hóa phi quân sự của quân đội NATO đóng tại Afghanistan. Căn cứ không quân Shamsi ngày nay được Mỹ dùng cho các loại máy bay không người lái, phương tiện thiết yếu nhất giúp quân đội Mỹ và Cục Tình báo Trung ương (CIA) truy tìm và tiêu diệt các phần tử thuộc mạng lưới khủng bố thân al-Qaeda và Taliban tại các vùng biên giới núi non hiểm trở Pakistan-Afghanistan. Từ đầu năm đến nay, Pakistan đã 3 lần yêu cầu Mỹ đóng cửa căn cứ này, nhưng đây là lần đầu Islamabad thông báo thời hạn cụ thể và dứt khoát.

Thế thì lần này quan hệ liên minh giữa Pakistan với Mỹ và NATO sẽ thụt lùi tới mức độ nào? Trong cuộc điện đàm với bà Clinton ngày 27-11, nữ Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani nói rằng vụ không kích của NATO vào lãnh thổ Pakistan “đang làm tiêu tan những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước”. Trước mắt, Bộ Ngoại giao Pakistan ra thông báo rằng nước này chưa cam kết có tham dự hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Bonn (Đức) vào đầu tháng 12 tới hay không. Mỹ hy vọng sự tham gia của Pakistan sẽ đóng vai trò giúp thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan với phiến quân Taliban. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các cam kết của Pakistan đối với Mỹ và NATO có tiếp tục duy trì đầy đủ hay không sẽ tùy thuộc vào kết quả điều tra sự cố sáng 26-11 mà Tổng Thư ký NATO Anders Rasmussen gọi là “thảm kịch ngoài ý muốn”. Báo Mỹ Wall Street Journal ngày 27-11 trích dẫn lời các quan chức Afghanistan và phương Tây cho biết lực lượng phối hợp giữa NATO và Afghanistan hôm đó nhận được lệnh tiêu diệt Taliban ở các tiền đồn bên kia biên giới khi khu vực này vừa bắn pháo về phía họ. Nhưng người phát ngôn quân đội Pakistan, Trung tướng Athar Abbas hôm qua đã bác bỏ lập luận này. Ông Abbas cho rằng đây có thể là “cuộc tấn công vô cớ và có tính toán của NATO” bởi nó diễn ra hơn 1 giờ đồng hồ mà NATO chẳng hề thông báo cho đối tác Pakistan.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Dân Pakistan nổi giận biểu tình đốt hình nộm của Tổng thống Mỹ Obama sau “sự cố ngày 26-11”. Ảnh: Dawn

Chia sẻ bài viết