09/05/2020 - 11:29

Mỹ-Saudi Arabia: đồng minh sứt mẻ? 

Mỹ sẽ rút hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cùng một số khí tài quân sự khác mà nước này đưa tới Saudi Arabia từ năm ngoái để bảo vệ đồng minh trước các mối đe dọa từ Iran.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: Reuters

Dẫn lời quan chức Mỹ, Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho biết lá chắn tên lửa Lầu Năm Góc triển khai giúp Saudi Arabia bảo vệ các mỏ dầu sẽ được thay thế bằng tổ hợp Patriot do Riyadh vận hành. Nhân viên quân sự Mỹ trong các hoạt động liên quan cũng được thuyên chuyển. Hai khẩu đội Patriot khác bố trí ở Trung Đông cũng nhận lệnh di dời và tái triển khai, theo Bloomberg. Trên toàn khu vực, Lầu Năm Góc dự kiến duy trì hơn 12 hệ thống Patriot và một tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Hiện Mỹ cũng đã rút hai phi đội máy bay chiến đấu ở khu vực trong khi giới chức quốc phòng nước này được cho tiếp tục cân nhắc giảm sự hiện diện của hải quân ở vùng Vịnh.

Theo lời một quan chức Mỹ, kế hoạch được tiến hành dựa trên đánh giá của một số chuyên gia quân sự, rằng Iran không còn là “mối đe dọa hiện hữu” đối với lợi ích chiến lược của Washington. Nhiều người tin rằng vụ không kích của Lầu Năm Góc sát hại Tướng Iran Qassem Soleimani và tình hình dịch COVID-19 đã đẩy Iran vào tình thế khó khăn, giảm khả năng tác chiến trong khu vực. Với đánh giá này, các nhà hoạch định Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu xem xét tái bố trí tài sản quân sự phục vụ những mục tiêu ưu tiên khác, chẳng hạn chiến lược đối phó Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Á.

Mặc dù hạ thấp mức độ đe dọa, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sean Robertson cho biết Washington vẫn duy trì năng lực chiến đấu, sẵn sàng đối phó tình huống liên quan Iran khi cần thiết. Trong bài phát biểu đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng Tehran vẫn đang tiến hành các hoạt động khiêu khích và hỗ trợ khủng bố trên khắp khu vực.

►Saudi Arabia “trả giá” vì giá dầu?

Nói với AP trong điều kiện giấu tên, một quan chức Mỹ tiết lộ kế hoạch rút khí tài quân sự khỏi Saudi Arabia thực chất dính líu mâu thuẫn trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ hiện nay. Những tuần gần đây, quan hệ nồng ấm giữa hai đồng minh truyền thống trở nên căng thẳng khi giá dầu thế giới rơi tự do dưới tác động từ “cuộc chiến dầu mỏ” Nga-Saudi Arabia. Hai nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới đã không thể tìm tiếng nói chung xung quanh việc cắt giảm sản lượng nhằm kiềm chế đà sụt giảm của giá dầu thô trên thị trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong khi giá đầu bị đẩy xuống sâu, việc Riyadh tăng sản lượng dầu thô và duy trì xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục gây áp lực lên các thị trường vốn đang vật lộn với tình trạng nguồn cung dư thừa còn nhu cầu giảm mạnh do dịch bệnh. Nhiều công ty dầu mỏ Mỹ đối mặt nguy cơ phá sản trở thành “gánh nặng” đối với Tổng thống Donald Trump, đặc biệt khi chủ nhân Nhà Trắng đang dồn nỗ lực cho kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế và chiến dịch vận động tái tranh cử vào tháng 11 tới. Một số thượng nghị sĩ Mỹ cáo buộc Riyadh “bắt tay” Nga tiến hành “chiến tranh kinh tế” hòng chống lại Washington. Tháng rồi, nhiều nhà lập pháp còn giận dữ yêu cầu chính quyền Trump cấm nhập khẩu, áp thuế hoặc trừng phạt Saudi Arabia. Thậm chí có đề xuất cân nhắc hoãn hỗ trợ quân sự cho Riyadh, mặc kệ căng thẳng giữa quốc gia Trung Đông và đối thủ Iran.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Saudi ArabiaMỹ