28/11/2013 - 21:35

Mỹ sát cánh cùng Nhật trong tranh chấp với Trung Quốc

Hôm 27-11, Mỹ tiếp tục bày tỏ thái độ ủng hộ đồng minh Nhật Bản trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, chỉ trích việc Bắc Kinh thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là "hành vi làm rối loạn an ninh các nước láng giềng".

Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã khẳng định trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Itsunori Onodera rằng hiệp ước phòng thủ Mỹ-Nhật bao trùm cả quần đảo đang tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời khen ngợi Tokyo về "thái độ tự kiềm chế thích hợp". Ngoài ra, ông Hagel còn nói rằng hành động của Trung Quốc "làm tăng nguy cơ về hiểu lầm và tính toán sai", đồng thời tuyên bố hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực sẽ không có sự thay đổi nào. Trước đó 1 ngày, Mỹ đã thách thức Trung Quốc bằng việc triển khai 2 máy bay ném bom B-52 tới ADIZ mà không thông báo cho Bắc Kinh.

Máy bay quân sự Nhật bay gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters 

Về phần mình, Bộ trưởng Onodera khẳng định rằng cũng như Washington, Tokyo coi động thái lập ADIZ của Bắc Kinh là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Nhật sẽ tiếp tục hợp tác chia sẻ thông tin và tiến hành các hoạt động tuần tra trong khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông kêu gọi Trung Quốc nên lập tức rút lại quyết định thành lập ADIZ. Trong cuộc điện đàm, hai ông Hagel và Onodera nhất trí gửi đến Trung Quốc thông điệp rằng: "Nỗ lực thay đổi hiện trạng sẽ không bao giờ được chấp nhận".

Cùng ngày, tân Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy (con gái của cố Tổng thống John F. Kennedy) cũng đã chỉ trích việc thiết lập ADIZ của Trung Quốc, cho rằng động thái trên "chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực".

Tin từ Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tìm cách giảm bớt những căng thẳng đang tăng cao do tuyên bố thành lập ADIZ của Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến công du Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc vào tuần tới.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các hãng hàng không nước này tiến hành các bước cần thiết để bảo đảm an toàn khi bay qua khu vực biển Hoa Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki cho biết Washington đang xác định liệu các quy tắc mới của Trung Quốc có áp dụng cho máy bay thương mại hay không.

Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua thông báo máy bay quân sự của họ đã bay qua ADIZ mà không thông báo cho Bắc Kinh và không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn khẳng định các máy bay quân sự của họ sẽ tiếp tục bay qua Ieodo (khu vực tranh chấp giữa Trung –Hàn và nằm trong ADIZ) mà không cần thông báo cho Trung Quốc.

N. CÁT (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết