15/10/2019 - 11:02

Mỹ rút, Syria tái bố trí lực lượng tại biên giới 

Sau gần 5 năm can thiệp vào Syria, Mỹ dường như đang chuẩn bị rút hết lực lượng khỏi quốc gia Trung Đông trước nguy cơ bất ổn leo thang thành chiến tranh khu vực.

Hôm 13-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper xác nhận Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo rút khoảng 1.000 binh sĩ khỏi khu vực chiến sự ở miền Bắc Syria trong 30 ngày. Diễn biến này đánh dấu sự rút lui nhanh chóng của Washington khỏi liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời loại bỏ trở ngại cuối cùng với Thổ Nhĩ Kỳ khi chiến dịch quân sự của Ankara nhắm vào người Kurd ở Syria tiếp tục mở rộng về phía Tây Nam.

Tuy người Thổ cam kết hoạt động của họ không gây nguy hiểm cho quân Mỹ, nhưng phe nổi dậy Syria sát cánh cùng Ankara lại không đáng tin cậy. Lực lượng này hiện kiểm soát nhiều tuyến đường quan trọng có thể làm phức tạp kế hoạch lui quân của ông Trump. Nếu không cẩn trọng, Bộ trưởng Esper cảnh báo nguy cơ Washington bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh trên đất Syria sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Hiện tại, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd đã bước sang ngày thứ 6 và không có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thuận theo yêu cầu của quốc tế đàm phán với người Kurd. Tuy ban đầu bị cho “bật đèn xanh” với Ankara, nhưng Tổng thống Trump trong nỗ lực dập tắt chỉ trích đã cảnh báo quan hệ lâu năm giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ có thể bị tổn hại nếu chính quyền Erdogan đẩy mạnh hoạt động quân sự ở nước láng giềng.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thậm chí đề nghị Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xem xét trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi liên minh. Chưa bàn tới vấn đề này, nhưng chính quyền Trump trước mắt đang chuẩn bị trừng phạt kinh tế Ankara. Theo một quan chức cấp cao Mỹ, các biện pháp chế tài là công cụ răn đe tốt nhất để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ “hành xử đúng đắn”. Ngoài kinh tế, Washington cũng có thể theo chân Đức và Pháp thi hành lệnh cấm bán vũ khí hoặc xem xét khả năng truy tố tội phạm chiến tranh.

Một đài quan sát bỏ hoang của Mỹ nhìn từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Người Kurd trông cậy chính quyền Syria

Trước khả năng quân Mỹ rút lui, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo đã đạt thỏa thuận với Tổng thống Bashar al-Assad đối phó Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy chưa rõ hai bên cam kết những gì, nhưng nhiều khả năng đây là “cái kết đắng” cho chính quyền bán tự trị của người Kurd tại khu vực Đông Bắc Syria sau 7 năm. Hiện quân đội Syria bắt đầu được triển khai đến các khu vực biên giới phía Bắc, dẫn đến lo ngại đụng độ với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ khiến xung đột lan rộng.

Theo New York Times, thỏa thuận trên do Nga làm trung gian sau khi SDF nhận ra họ không còn có thể tin tưởng vào Washington - đồng minh chính trong cuộc chiến chống IS suốt 5 năm qua. Kể từ năm 2014, Mỹ chủ động hợp tác với lực lượng do người Kurd lãnh đạo với mục tiêu hạn chế ảnh hưởng của Nga và Iran, nhờ đó duy trì đòn bẩy trong bất kỳ cuộc dàn xếp nào ở Trung Đông. Nhưng việc chính quyền Trump từ bỏ cách tiếp cận này, giới quan sát cho rằng đây không chỉ là thất bại về chính sách khi loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ tại Syria mà diễn biến này còn là “chiến thắng” với chính quyền al-Assad khi nâng cao vị thế Damascus trên chiến trường, đồng thời củng cố sự can dự trực tiếp của Nga và dấy lên lo sợ về nguy cơ IS hồi sinh.

Theo thông tin mới ghi nhận, gần 800 người ủng hộ và có liên kết với IS đã trốn thoát khỏi một trại giam do người Kurd kiểm soát ở Syria sau khi pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công gần khu vực này. Guardian cho biết khu trại này giam giữ tổng cộng khoảng 13.000 người với 1.000 người trong số đó là công dân nước ngoài, bao gồm cô dâu thánh chiến khét tiếng người Anh Tooba Gondal chuyên giúp IS chiêu mộ, dụ dỗ các thiếu nữ trẻ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết