24/12/2023 - 19:46

Mỹ phân tán máy bay ở Thái Bình Dương 

Không quân Mỹ dự định tái sử dụng một sân bay có từ thời Thế chiến thứ 2 trên đảo Tinian ở Thái Bình Dương khi nước này nỗ lực mở rộng những lựa chọn sân bay trong trường hợp xảy ra xung đột với kẻ thù, theo Tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF).

Tiêm kích F-22 Raptor cất cánh từ sân bay quốc tế Tinian trong cuộc tập trận Agile Reaper hồi đầu năm. Ảnh: Không quân Mỹ

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia gần đây, Tướng Wilsbach cho biết sân bay Bắc Tinian sẽ trở thành một cơ sở “rộng lớn” sau khi việc xây dựng hoàn tất. Theo ông, sân bay này hiện có mặt đường rộng rãi bên dưới khu rừng rậm rạp và từ nay đến mùa hè, quân đội Mỹ sẽ dọn sạch khu rừng đó.

Sân bay Bắc Tinian từng là một trong những căn cứ không quân lớn nhất của quân đội Mỹ và là nơi phi đội máy bay ném bom B-29 lớn nhất của nước này trong Thế chiến thứ 2 đồn trú (sở hữu 4 đường băng dài 2,4km cùng 40.000 quân nhân). Đây cũng chính là điểm khởi hành của hai máy bay B-29 mang theo bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Phi trường này đã bị bỏ hoang sau đó, trong khi một sân bay quân sự khác ở phía Tây hòn đảo giờ đây trở thành sân bay quốc tế Tinian. Không quân Mỹ cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng sân bay quốc tế này.

Tinian là một trong ba đảo chính tạo nên Quần đảo Bắc Mariana, lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ nằm ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Về mặt địa lý, các đảo này cùng với đảo Guam (của Mỹ) ở phía Nam hợp thành quần đảo Mariana. Đảo Tinian rộng 101km2 với dân số chỉ 3.000 người, nằm cách đảo Guam khoảng 200km.

Không quân Mỹ muốn trích 78 triệu USD trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2024 để xây dựng các dự án trên đảo Tinian. Mục đích của việc cải tạo tiền đồn này là thúc đẩy chiến lược Triển khai chiến đấu linh hoạt (ACE) của Không quân Mỹ. Trọng tâm của chiến lược ACE là phân bổ máy bay đến càng nhiều địa điểm ở Tây Thái Bình Dương càng tốt để ứng phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa của kẻ thù nếu khủng hoảng xảy ra. Đây được xem là một thay đổi lớn trong chiến lược của quân đội Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Hiện nay, phần lớn sức mạnh của không quân Mỹ ở Thái Bình Dương tập trung tại một vài căn cứ không quân lớn, như căn cứ Andersen trên đảo Guam hoặc căn cứ Kadena trên đảo Okinawa của Nhật Bản. Đài CNN nhận định một cuộc tấn công vào những căn căn cứ này có thể làm tê liệt khả năng đáp trả kẻ thù nếu Mỹ dồn quá nhiều sức mạnh không quân vào nơi đây. Khi Trung Quốc, quốc gia mà Lầu Năm Góc xác định là “mối đe dọa đang tăng”, phát triển lực lượng tên lửa, Không quân Mỹ tìm các địa điểm để phân tán máy bay nhằm gây khó khăn hơn cho đối phương nhắm mục tiêu.

Theo tài liệu hồi năm 2022 của Đại học Hàng không thuộc Không quân Mỹ, chiến lược ACE giúp giảm thiểu các mối đe dọa (từ Trung Quốc) bằng cách phân tán lực lượng ở khu vực theo mạng lưới “trục bánh xe và nan hoa”, buộc quân đội Trung Quốc phải sử dụng thêm tên lửa để làm giảm hiệu quả sức mạnh của Không quân Mỹ.

Không quân Mỹ đã diễn tập chiến lược ACE trên đảo Tinian, bao gồm lần đầu tiên xuất kích chiến đấu cơ tàng hình F-22 từ sân bay quốc tế Tinian trong cuộc tập trận Agile Reaper hồi tháng 3. Năm ngoái, sân bay này cũng là nơi cất cánh các chiến đấu cơ F-35 tham gia cuộc tập trận Cope North.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết