|
Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại hôm 15-7. |
Ngày 16-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bắt đầu công du một loạt quốc gia trên thế giới. Một ngày trước đó, trong bài diễn văn về đường lối ngoại giao toàn diện đầu tiên trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, bà Clinton đã kêu gọi xây dựng một “thế giới đa đối tác” và bảo vệ chính sách của Tổng thống Barack Obama về đàm phán với các quốc gia thù địch.
Bà Clinton cho rằng không quốc gia nào có thể một mình giải quyết những thách thức của thế giới. Các vấn đề hiện nay quá phức tạp. Quá nhiều nước đang tranh giành ảnh hưởng. Hầu hết các nước lo ngại về những mối đe dọa chung, từ không phổ biến vũ khí hạt nhân tới chống dịch bệnh và khủng bố, nhưng đồng thời đối mặt nhiều trở ngại trong việc hợp tác vì những lý do lịch sử, địa lý, ý thức hệ... Theo bà Clinton, thế giới cần có “kiến trúc toàn cầu mới, trong đó các nước có động cơ hợp tác và tuân thủ trách nhiệm của họ. Bà Clinton cũng cam kết xây dựng quan hệ gần gũi hơn với “các cường quốc toàn cầu lớn và mới nổi” như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Nam Phi.
Tuyên bố của bà Clinton tương phản với quan điểm của các ngoại trưởng tiền nhiệm, nhất là bà Madeleine Albright, người tuyên bố Mỹ là “quốc gia không thể thiếu” dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Tuy nhiên, bài phát biểu của bà Clinton cũng dựa trên những nội dung được bà Condoleezza Rice, ngoại trưởng trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống George Bush, đưa ra năm 2006 và 2008, là kêu gọi “ngoại giao chuyển hóa”. Bà Rice từng cho rằng “ngoại giao chuyển hóa bắt nguồn từ đối tác, chứ không phải chủ nghĩa bá quyền”. Do đó, tuy nhấn mạnh không có quốc gia nào một mình giải quyết các vấn đề chung của thế giới, nhưng bà Clinton vẫn cho rằng sẽ không có thách thức nào được giải quyết nếu không có Mỹ tham gia. Theo các nhà phân tích, thế giới đa đối tác được xem là cách mà Ngoại trưởng Mỹ phủ nhận một thế giới đa cực.
Ngoại trưởng Clinton cũng bảo vệ mạnh mẽ quan điểm của chính quyền Mỹ đối với Iran và Syrie. Bà Clinton cho rằng Mỹ không lo ngại hoặc không sẵn sàng đàm phán với các nước thù địch. Tuy nhiên, Tehran phải đưa ra quyết định liệu có đàm phán trực tiếp ngay bây giờ hay không, và cơ hội sẽ không kéo dài vô hạn định. Về tiến trình hòa bình Trung Đông, bà Clinton kêu gọi các nước A-rập thực hiện sáng kiến hòa bình năm 2002 với Israel và tiến tới chấp nhận nhà nước Do Thái. Washington sẽ tiếp tục gây sức ép buộc Tel Aviv ngưng xây dựng các khu định cư và thiết lập các điều kiện cho giải pháp hai nhà nước để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Bà Clinton cũng chìa “cành ôliu” với các nhân vật Taliban ôn hòa ở Afghanistan khi cho rằng không phải mọi thành viên lực lượng này đều ủng hộ Al Qaeda. Thế nhưng, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ cũng có ý răn đe khi nói rằng Washington vẫn tiếp tục chủ trương sử dụng vũ lực nếu giải pháp ngoại giao thất bại.
N.MINH (Theo Washingtonpost, IPS, Reuters)