25/01/2014 - 13:59

Mỹ muốn có “đường dây nóng” với Trung Quốc

Đô đốc Locklear (trái) tiếp Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc hồi tháng 6-2013 tại Đối thoại Shangri - La lần thứ 12. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 23-1, Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết ông thật sự lo ngại khi lực lượng hải quân của ông không có đường dây nóng trực tiếp nào với phía đối tác Trung Quốc. "Tôi không thể nhấc điện thoại và nói chuyện trực tiếp với một đô đốc hoặc một tướng lĩnh của lực lượng hải quân Trung Quốc trong thời điểm xảy ra khủng hoảng. Tôi rất cần có một đường dây nóng" – Đô đốc Locklear nói. Ông cho rằng kênh liên lạc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc tránh gây xung đột và nguy cơ dẫn đến hiểu lầm giữa hai cường quốc lớn về kinh tế và quân sự trên biển Hoa Đông là Trung Quốc và Nhật Bản.

Năm 2008, Washington và Bắc Kinh đã đồng ý thiết lập một đường dây điện thoại trực tiếp giữa bộ quốc phòng hai nước nhưng đến nay vẫn chưa được kiểm nghiệm trong trường hợp khẩn cấp. Dù Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey vẫn tham vấn với các đối tác Trung Quốc bằng điện thoại, nhưng trong trường hợp xảy ra xung đột tại châu Á-Thái Bình Dương thì không thể giúp giải quyết vấn đề một cách kịp thời. Theo các sĩ quan hải quân Mỹ, việc tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường USS Cowpens suýt va chạm với một tàu hải quân Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy lãnh đạo quân đội hai nước cần thiết lập "đường dây nóng".

Không riêng Mỹ, Nhật Bản cũng đã nhiều lần thúc giục Trung Quốc chấp nhận đàm phán thiết lập "đường dây nóng" quân sự giữa hai quốc gia đang tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Phát biểu trên của ông Locklear được đưa ra đúng vào lúc Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns đang có chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày (từ hôm 23-1) nhằm thuyết phục Bắc Kinh tránh những hành động đơn phương trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải và ngồi vào đàm phán với các nước láng giềng để giảm căng thẳng về vấn đề Biển Đông và Hoa Đông. Theo tờ Washington Post, các cuộc tranh chấp hải đảo tại châu Á-Thái Bình Dương, nhất là giữa Trung Quốc và Nhật Bản thời gian qua đang làm phức tạp thêm chiến lược "xoay trục" tái cân bằng khu vực của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Chuyến đi này đặc biệt quan trọng bởi nó diễn ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có lời tuyên bố hàm ý rằng nước này có khả năng đụng độ vũ trang với Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự và nuôi tham vọng bành trướng lãnh hải.

Thế nhưng, một phát ngôn viên không quân Trung Quốc hôm qua cho biết quân đội nước này đã phát hiện và bắt đầu đưa ra cảnh báo đối với một số máy bay quân sự xâm phạm "vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) trên biển Hoa Đông được thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, người phát ngôn này không nói rõ máy bay quân sự của nước nào, có thể là Mỹ hoặc Nhật Bản, bị xác định vi phạm lệnh cấm bất hợp pháp của Trung Quốc, mà chỉ tuyên bố Bắc Kinh sẽ tăng cường máy bay giám sát thực thi ADIZ.

TRÍ VĂN (Theo ABC, Reuters, Washington Post)

 

Đô đốc Locklear (trái) tiếp Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc hồi tháng 6-2013 tại Đ

Chia sẻ bài viết