28/09/2008 - 13:11

Mỹ, Mexico rộ lên nạn “bắt cóc ảo”

Điện thoại, công cụ tống tiền của bọn bắt cóc ảo. Ảnh: HuffingtonPost

Bắt cóc tống tiền là một vấn nạn nhức nhối tại Mỹ và Mexico. Tuy nhiên, không phải tất cả các vụ bắt cóc ở hai quốc gia này đều có thật. Có một dạng tội phạm mới “làm mưa làm gió” ở Mexcio trong hai năm qua và đang gia tăng ở Mỹ được các nhà điều tra gọi là “bắt cóc ảo”.

Nguyên nhân các tổ chức bắt cóc ảo có đất sống là do tình trạng bắt cóc tống tiền đã trở thành “chuyện thường ngày” ở khu vực biên giới Mỹ - Mexico. Theo Cục Hải quan và Nhập cư Mỹ, các băng nhóm bắt cóc ở Mexico nghĩ ra hai tuyệt chiêu để lừa gạt tiền của nạn nhân mà không cần bắt giữ một ai. Một là bọn chúng tìm hiểu khi nào có ai đó ở Mỹ đang trên đường sang Mexico và gọi điện đến gia đình người đó đòi tiền chuộc sau khi biết chắc rằng “con mồi” đang ở trong tình trạng “ngoài vùng phủ sóng” không thể liên lạc với gia đình, có thể do đang ở khu vực hẻo lánh không có sóng điện thoại. Chúng hù dọa xẻo thịt hoặc sát hại “con tin” để gia đình tin rằng người thân của mình đang nằm trong tay chúng và đồng ý chi tiền trước khi phát hiện ra thực tế nạn nhân có bị bắt cóc gì đâu. Tháng 7 vừa qua, Sở cảnh sát thành phố Phoenix, bang Arizona điều tra vụ một gia đình nhận cuộc gọi từ một người tự xưng đang cầm giữ đứa con gái 16 tuổi của họ và đòi 2.500 USD tiền chuộc. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vào cuộc và mở chiến dịch tìm kiếm quốc tế nhưng cuối cùng phát hiện nạn nhân vẫn “bình an vô sự” bên cạnh người thân ở Mexico. Nhờ vậy, gia đình không mất khoản tiền nào.

Cách thứ hai phổ biến hơn là chúng nắm danh sách dân nhập cư trái phép từ các tổ chức buôn người, sau đó gọi điện đến gia đình của người nhập cư tại Mỹ và giả danh là nhóm bắt cóc đòi 2.000-4.000 USD tiền chuộc (gấp đôi phí nhập cư) nếu không con tin sẽ bị hành quyết hoặc bị hãm hiếp. Thông thường, cuộc gọi “moi tiền” được thực hiện trong thời gian người nhập cư đang chờ để vượt biên (vào Mỹ) hoặc trên đường đến trại tập kết dân nhập cư trái phép đến từ Mexico ở Phoenix.

Armando Garcia, trợ lý đặc vụ thuộc Chi cục hải quan và nhập cư bang Arizona - nơi nạn bắt cóc ảo xuất hiện lần đầu cách đây 5 năm và hiện bình quân mỗi tuần xảy ra 1 vụ - cho biết: “Nạn bắt cóc ảo là có thật. Tuần rồi, chúng tôi phát hiện ba vụ. Kiểu bắt cóc này khiến chúng tôi rất đau đầu”. Các nhà điều tra cho rằng bọn bắt cóc ảo có được tên và số điện thoại của gia đình dân nhập cư bằng cách mua lại của bọn buôn người hoặc giả danh làm người “tốt bụng” có thể đứng ra dàn xếp với bọn buôn người tại các thị trấn biên giới Mexico.

Thật không khó để khiến gia đình nạn nhân tin là người thân của họ đang bị bắt cóc. Thân nhân của dân nhập cư trái phép tại Mỹ đều biết rõ rằng các mạng lưới buôn người đều là mafia thứ thiệt nên nhiều lúc chúng giam lỏng “khách hàng” để moi thêm tiền. Hơn nữa, bọn bắt cóc ảo nói tiếng Anh rất sõi và sử dụng điện thoại có mã vùng Phoenix để liên lạc gia đình nạn nhân làm ra vẻ như chúng đang ở trên đất Mỹ, trong khi thực chất cuộc gọi được thực hiện từ Mexico - điểm đến của các khoản tiền chuộc.

Trước vấn nạn bắt cóc gia tăng đáng báo động, tháng 12 năm ngoái, chính quyền Mexico City (thủ đô của Mexico) lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về các vụ bắt cóc tống tiền. Sau 4 tháng, đường dây này tiếp nhận 44.000 tin báo của người dân, trong đó hơn 1.600 người cho biết họ đã chi tiền cho bọn bắt cóc ảo. Các nhà điều tra cho rằng số vụ bắt cóc ảo trên thực tế có thể cao hơn nhiều do nhiều trường hợp dân nhập cư trái phép “ngậm bồ hòn” vì họ sợ bị trục xuất trở về nước (Mexico) khi khai báo với nhà chức trách Mỹ hoặc không muốn gây thù chuốc oán với giới xã hội đen.

Theo Cục Hải quan và Nhập cư Mỹ, có một cách để không “sập bẫy” của bọn bắt cóc ảo là khi bị tống tiền, gia đình nên đòi được nói chuyện trực tiếp người thân qua điện thoại. Có trường hợp một phụ nữ sau khi nhận điện thoại của bọn bắt cóc cho biết chồng cũ của bà đang nằm trong tay chúng, đã một mực đòi được nói chuyện trực tiếp với nạn nhân, nếu không miễn bàn. Do không có con tin trong tay nên bọn chúng đành rút lui và quay sang gọi điện tống tiền bạn gái của “con mồi”.

TUYẾT HỒNG (Theo China Daily, Fox News, AZ Central)

Chia sẻ bài viết