04/01/2023 - 08:40

Mỹ lo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Mặt trăng 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Politico hôm 2-1 cảnh báo, Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc đua không gian mới mà theo đó nếu Bắc Kinh thắng thế, nước này có thể giành quyền kiểm soát các khu vực giàu tài nguyên nhất trên Mặt trăng.

Tên lửa đẩy SLS và phi thuyền Orion của NASA. Ảnh: AFP

Tên lửa đẩy SLS và phi thuyền Orion của NASA. Ảnh: AFP

“Đó là sự thật. Chúng ta đang trong một cuộc đua không gian. Tốt hơn hết chúng ta nên canh chừng để Trung Quốc không đến được một số khu vực trên Mặt trăng dưới vỏ bọc nghiên cứu khoa học. Rất có khả năng họ sẽ tuyên bố đây là lãnh thổ của họ” - ông Nelson cảnh báo.

Lo ngại của ông Nelson được đưa ra sau khi NASA hoàn thành xuất sắc sứ mệnh Artemis I nhằm đưa phi thuyền Orion không người lái bay vòng quanh Mặt trăng. Giới phân tích cho rằng sự thành công của sứ mệnh Artemis I là bước đi quan trọng đầu tiên trong tham vọng của NASA đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2025.

Không riêng gì ông Nelson, các quan chức cấp cao khác của Mỹ trong những năm gần đây cũng cảnh báo rằng năng lực không gian của Trung Quốc đang phát triển một cách nhanh chóng, đặt ra những thách thức đáng kể đối với vị thế thống trị của Washington trong không gian. Gần đây nhất, Nina Armagno, chỉ huy Lực lượng Không gian Mỹ, hồi tháng 11 năm ngoái cho rằng Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển công nghệ không gian quân sự, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thông tin liên lạc vệ tinh và tàu vũ trụ có thể tái sử dụng, giúp quốc gia đông dân nhất thế giới nhanh chóng xây dựng các chương trình không gian của mình.

“Tôi nghĩ rằng họ hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt qua chúng tôi. Tiến bộ mà họ đạt được thật đáng kinh ngạc” - bà Armagno cho hay tại một sự kiện do Viện Chính sách Chiến lược Úc tổ chức. Theo bà Armagno, tuy “chậm chân” trong cuộc đua vào không gian do Mỹ và Nga thống trị, Trung Quốc đã tiến bộ đáng kể trong những năm vừa qua. Bà Armagno cho rằng Trung Quốc là “quốc gia duy nhất có tất cả những ý định như định hình lại trật tự quốc tế và tăng cường sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đạt được mục tiêu”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ những lời cáo buộc về động cơ đằng sau nỗ lực thúc đẩy không gian của nước này. “Không gian vũ trụ không phải là nơi đấu vật. Một số quan chức Mỹ đã phát biểu một cách vô trách nhiệm nhằm xuyên tạc các nỗ lực không gian bình thường và hợp pháp của Trung Quốc. Trung Quốc luôn ủng hộ việc sử dụng không gian một cách hòa bình, phản đối việc vũ khí hóa và chạy đua trong không gian, đồng thời tích cực hướng tới xây dựng một cộng đồng chung cho nhân loại trong lĩnh vực không gian” - Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, nhấn mạnh.

Thật ra, lo ngại của ông Nelson và giới chức xứ cờ hoa không phải là không có cơ sở. Trung Quốc gần đây đã ra mắt một trạm vũ trụ mới và đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ. Hồi tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc còn công bố kế hoạch triển khai nhiều dự án đầy tham vọng hơn, gồm việc tạo ra một hệ thống giám sát không gian và xây dựng cơ sở hạ tầng không gian.

Trước đó, tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc hồi năm 2019 đã đáp thành công xuống vùng tối của Mặt trăng, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên thám hiểm khu vực chưa từng được biết tới của Mặt trăng. Nước này sau đó lấy mẫu đất, đá từ Mặt trăng trở lại Trái đất. Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh tuyên bố có kế hoạch đưa người lên Mặt trăng trước năm 2030 và thành lập trung tâm nghiên cứu khoa học trên hành tinh này.

Đáng chú ý, một báo cáo của Lầu Năm Góc cũng đã nhấn mạnh những tiến bộ gần đây trong chương trình không gian của Trung Quốc. Báo cáo ghi nhận khả năng đổi mới của Trung Quốc trong việc hạ cánh xuống phía xa của Mặt trăng và thiết lập chương trình chuyển tiếp thông tin liên lạc bằng cách sử dụng một vệ tinh giữa Trái đất và Mặt trăng. Ngoài ra, báo cáo còn phát hiện ra rằng Trung Quốc đang cải thiện việc sản xuất các hệ thống phóng vào không gian nhằm cho phép con người khám phá không gian.

Về phần mình, hiện NASA đang có kế hoạch triển khai hàng loạt sứ mệnh lên Mặt trăng. Ông Nelson tuyên bố, sứ mệnh Artemis II nhằm đưa phi hành đoàn lên quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2024 “sẽ diễn ra trong vòng 2 năm”. Song, chương trình thám hiểm chị Hằng của Mỹ có nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc nếu gặp phải trở ngại hoặc bị chậm trễ, bởi nó phụ thuộc vào một số hệ thống đang được phát triển.

Chia sẻ bài viết