28/08/2019 - 21:04

Mỹ lo ngại UAV Trung Quốc 

Lầu Năm Góc đang tìm kiếm nhà đầu tư cho lĩnh vực phát triển máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ nhằm thay thế các mẫu UAV gây lo ngại an ninh từ Trung Quốc. 

Đây được xem là nỗ lực đầu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) nhằm liên kết các nguồn vốn tư nhân “đáng tin cậy” với các công ty đổi mới vốn đóng vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng cũng như nền an ninh quốc gia xứ cờ hoa.

Lâu nay, UAV mà quân đội Mỹ sử dụng thường là những UAV cỡ lớn, được trang bị công nghệ tinh vi, có giá lên tới hàng chục triệu USD, có thể thực hiện các cuộc tấn công quân sự bằng điều khiển từ xa hoặc tiến hành thu thập thông tin tình báo và giám sát tầm xa. 

UAV của DJI hiện rất được chuộng tại thị trường Mỹ. Ảnh: CNN

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ellen Lord tiết lộ, các quan chức quốc phòng sẽ đi khắp nước để gặp gỡ những nhà đầu tư tiềm năng cũng như các đại diện ngành công nghiệp UAV để đẩy nhanh xúc tiến chương trình. DOD hy vọng chương trình này sẽ giúp mở rộng quy mô các nhà sản xuất UAV sẵn có. Phát biểu với báo giới, bà Lord nói rằng chương trình nói trên sẽ lần đầu tiên tập trung đầu tư phát triển các UAV cỡ nhỏ - lĩnh vực mà các công ty sản xuất UAV Trung Quốc đang thống trị, gồm DJI, hãng chiếm hơn 70% thị trường UAV trị giá hơn 500 triệu USD của Mỹ. “Về cơ bản, chúng tôi không có nhiều cơ sở sản xuất UAV cỡ nhỏ vì DJI đã bán rất nhiều UAV giá rẻ dạng này trên thị trường. Chúng tôi trở nên phụ thuộc vào họ, xét trên quan điểm quốc phòng lẫn thương mại” – bà Lord bày tỏ lo ngại.

Từ lâu, Chính phủ Mỹ cảnh báo UAV do Trung Quốc sản xuất có thể mang lại rủi ro an ninh mạng đối với các doanh nghiệp và các tổ chức sử dụng chúng. Trong đó, DJI bị chỉ trích nặng nề vì được cho tiềm ẩn những rủi ro an ninh. Tại phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 6, Harry Wingo, học giả quân sự thuộc Đại học Quốc phòng cho biết DJI đã “gần như độc quyền” về công nghệ UAV được bán tại Mỹ, đồng thời lo ngại việc công ty này sử dụng mạng lưới phần mềm độc quyền đã khiến DOD khó xác định liệu nguồn dữ liệu có an toàn hay không. “Chúng tôi biết rằng rất nhiều thông tin được gửi về Trung Quốc bằng chính những chiếc UAV đó. Vì vậy đây không phải là thứ chúng tôi có thể sử dụng” – bà Lord nhắc lại lời của ông Wingo trước các thượng nghị sĩ Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ bày tỏ lo ngại về các UAV Trung Quốc. Tháng 8-2017, Lục quân Mỹ đã cấm binh sĩ sử dụng UAV của DJI vì nguy cơ an ninh mạng. Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ thì nghi ngờ DJI “cung cấp dữ liệu cơ sở hạ tầng trọng yếu và thực thi pháp luật của Mỹ cho Chính phủ Trung Quốc”. 

Trước những quan ngại ngày càng tăng của công luận Mỹ về UAV Trung Quốc,  người phát ngôn của DJI Michael Oldenburg trong một tuyên bố cho rằng những cáo buộc trên là “sai trái và gây hiểu lầm”. Ông này khẳng định, UAV của DJI không tự động gửi dữ liệu cho Bắc Kinh hoặc bất kỳ tổ chức trái phép nào. Theo ông Oldenburg, một công ty an ninh mạng độc lập của Mỹ đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời xác nhận hệ thống phần cứng và phần mềm của DJI cho phép khách hàng toàn quyền kiểm soát cách dữ liệu của họ được thu thập, lưu trữ và truyền đi. Ông Oldenburg cũng bác bỏ cáo buộc của bà Lord cho rằng DJI đang bán phá giá sản phẩm của mình nhằm mục tiêu thống lĩnh thị trường. 

TRÍ VĂN (Theo CNN, FCW)

Chia sẻ bài viết