09/01/2020 - 19:29

Mỹ, Iran lui bước trước bờ vực chiến tranh? 

Dấu hiệu hạ nhiệt

Vụ không kích tuần rồi của Mỹ sát hại Thiếu tướng Qassem Soleimani- nhân vật được cho là quyền lực số 2 ở Iran sau lãnh đạo tinh thần tối cao Ali Khamenei, đã gây ra “địa chấn” ở Trung Đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định đây là hành động “ngăn chặn chứ không khởi động chiến tranh”. Song, màn đáp trả của Iran phóng hàng chục quả tên lửa nhắm mục tiêu 2 căn cứ quân sự nơi binh sĩ Mỹ và liên quân đồn trú ở Iraq đánh dấu sự leo thang trong căng thẳng hai nước.

Tổng thống Trump (giữa) ra tuyên bố về Iran. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump (giữa) ra tuyên bố về Iran. Ảnh: Reuters

Trước nguy cơ xung đột toàn diện, Tổng thống Trump dường như có ý định hạ nhiệt căng thẳng với bài phát biểu tối 8-1 ngụ ý Washington không trả đũa quân sự. Theo ông Trump, Iran có vẻ đã “hạ hỏa” và điều này tốt cho các bên liên quan cũng như thế giới. Khẳng định sở hữu vũ khí tối tân, chủ nhân Nhà Trắng đồng thời nói rằng Mỹ không muốn dùng tới. Thay vào đó, Washington lựa chọn tăng cường trừng phạt kinh tế và không dỡ bỏ cho đến khi Tehran thay đổi hành vi. Lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định sẵn sàng duy trì hòa bình với tất cả những ai đang tìm kiếm.

Về phía Iran, lãnh đạo tối cao Khamenei nhấn mạnh cuộc tấn công tên lửa hôm 8-1 không phải là toàn bộ phản ứng của nước này. Dù vậy, CNN cho biết Tehran đã bắt đầu liên lạc trở lại thông qua ít nhất 3 kênh ngoại giao, bao gồm Thụy Sĩ vốn thay mặt Mỹ ở Iran. Động thái này gởi đi thông điệp rõ ràng, đó là cuộc tấn công tên lửa là màn đáp trả duy nhất và Iran sẽ chờ động thái tiếp theo từ chính quyền Trump. “Iran không muốn leo thang căng thẳng và chiến tranh ở Trung Đông. Chúng tôi hy vọng hòa bình được thiết lập trong khu vực và điều kiện đầu tiên chính là loại lực lượng Mỹ khỏi đây” – đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Majid Takht Ravanchi khẳng định.

Trung Đông vẫn thấp thỏm

Bất chấp tín hiệu xuống thang, giới quan sát cho biết khu vực vẫn trên bờ vực nguy hiểm. Quân đội Mỹ hiện được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Vài giờ sau bài phát biểu của Tổng thống Trump, Iraq cho biết ít nhất 2 quả tên lửa đã rơi trúng Vùng Xanh ở Thủ đô Baghdad, một trong số đó cách đại sứ quán Mỹ chỉ 100m. 

Trong tuyên bố, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cảnh báo còn quá sớm để cho rằng cuộc tấn công hôm 8-1 đủ để Iran trả đũa vụ sát hại Tướng Soleimani. Trong lá thư trình Hội đồng Bảo an LHQ, đại sứ Mỹ Kelly Craft cho biết Washington sẵn sàng có hành động bổ sung khi cần thiết để bảo vệ nhân viên và lợi ích ở Trung Đông. 

Chiến thuật của ông Trump?

Sau gần 17 năm Mỹ hiện diện ở Iraq, đất nước này vẫn trong tình trạng rối rắm khi trở thành trung tâm cuộc chiến giằng co giữa Iran, Mỹ và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Trump từng cam kết rút quân Mỹ khỏi các cuộc xung đột triền miên, nhưng rời Iraq được dự báo sẽ gây bất ổn nghiêm trọng đối với khu vực và tổn hại cho lực lượng Mỹ đồn trú ở nơi khác. Theo các nhà phân tích, khả năng ông Trump thực hiện lời hứa tranh cử nêu trên là không thể. Do đó, vụ không kích hạ sát tướng Iran đã được chính quyền Trump sử dụng như chiến thuật đánh lạc hướng rắc rối chính trị trong nước, bao gồm thủ tục luận tội tổng thống hiện nay; đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước trước cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cuối năm nay.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW, chỉ 29% trong số 37.000 cá nhân thuộc 33 quốc gia trên thế giới tin tưởng vào Tổng thống Trump. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng đầu bảng xếp hạng khi 46% tin vào sự lãnh đạo của bà đối với các vấn đề quốc tế.

MAI QUYÊN (theo AP, France 24)

Chia sẻ bài viết