07/04/2020 - 09:48

Mỹ hối thúc Ấn Độ giao thuốc chống sốt rét 

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gọi điện cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi yêu cầu giao số thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine mà Washington đã đặt mua để chống dịch COVID-19.

Tổng thống Trump (trái) bắt tay Thủ tướng Modi trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 2 vừa rồi. Ảnh: NY Times

“Ấn Độ sản xuất số lượng rất lớn hydroxychloroquine, nhưng đã ngưng xuất khẩu. Tôi sẽ đánh giá cao nước này nếu họ giải phóng số hàng hydroxychloroquine chúng tôi đã đặt mua” - Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 4-4, nhưng không nói rõ thời điểm và số lượng thuốc Mỹ đặt mua. Ông còn cho biết Mỹ đã dự trữ 29 triệu liều hydroxychloroquine để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Theo thông báo của Nhà Trắng, lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ đã đồng ý giữ liên lạc về vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu cho các dược phẩm và vật tư y tế quan trọng và đảm bảo chúng tiếp tục hoạt động trơn tru nhất có thể trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay.

Về phần mình, Thủ tướng Modi xác nhận cuộc điện đàm nói trên, đồng thời cho biết hai bên đã đồng ý triển khai toàn bộ sức mạnh của mối quan hệ đối tác Ấn Độ - Mỹ để chống COVID-19.

Những ngày gần đây, ông Trump liên tục ca ngợi hydroxychloroquine mặc dù Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa phê chuẩn việc sử dụng thuốc này để điều trị COVID-19. Không chỉ nói sẽ không mất mát gì nếu người dân thử dùng hydroxychloroquine, chủ nhân Nhà Trắng còn mạnh miệng tuyên bố bản thân ông cũng có thể thử loại thuốc này.

Trong khi đó, hãng Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết Tổng thống Trump đã yêu cầu các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ tập trung xem chloroquine (một loại thuốc chống sốt rét khác) và hydroxychloroquine là những phương pháp có thể điều trị COVID-19. Dưới áp lực của ông Trump, chính phủ liên bang đã ban hành hướng dẫn, nói rằng các bác sĩ có quyền kê các loại thuốc nói trên, nhưng lại viện dẫn những “giai thoại” thay vì tài liệu khoa học được bình duyệt như thường lệ. Trong tuyên bố, Nhà Trắng khẳng định ông Trump không khơi mào “chiến dịch gây sức ép”, mà chỉ là đang hành động đúng đắn. Tuyên bố nhấn mạnh “Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump là sức khỏe và sự an toàn của người dân Mỹ”.

Những người ủng hộ ông Trump cho rằng họ đồng ý sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine trong đại dịch bởi hiện không có thuốc được chứng minh điều trị hiệu quả COVID-19. Dù vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một vài trường hợp cụ thể sử dụng các thuốc này có thể bị rối loạn nhịp tim và chúng cũng “có thể gây nguy hại cho những bệnh nhân đang nguy kịch”.

Nhiều hãng dược phẩm hàng đầu của Mỹ và châu Âu như Pfizer, Merck, GlaxoSmithKline đều có đặt các công ty con tại Ấn Độ. Trong khi đó, thuốc hydroxychloroquine lại được sản xuất đại trà bởi những tập đoàn dược phẩm lớn của Ấn Độ như IPCA, Lupin, Sun Pharma…Vấn đề là những hãng dược này lâu nay lại có mối quan hệ không tốt với FDA. Trong đó, FDA đã đưa ra nhiều báo cáo về những quy trình sản xuất kém chất lượng và thuốc không hiệu quả của các hãng dược Ấn Độ. Được biết, Ấn Độ chiếm 20% sản lượng xuất khẩu thuốc generic toàn cầu và 40% trong tổng số các loại thuốc generic mới được FDA phê chuẩn trong năm 2018 đến từ quốc gia Nam Á này. Generic là những loại thuốc có tính chất tương đương với biệt dược gốc nhưng được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thuốc generic thường được bán với giá rẻ.

Tuần rồi, lấy lý do cần thuốc cho việc chống bệnh sốt rét trong nước, phía New Delhi đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu dược liệu sản xuất hydroxychloroquine, khiến Tổng thống Trump phải nhấc máy điện cho Thủ tướng Modi.

CDC bắt đầu xét nghiệm máu để xác định khả năng miễn dịch

Ngày 5-4, người phát ngôn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cơ quan này đã bắt đầu tiến hành các xét nghiệm máu nhằm giúp xác định người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng do khả năng miễn dịch của cơ thể đối với loại virus này.

Theo người phát ngôn, những xét nghiệm huyết thanh học, hoặc khảo sát huyết thanh, khác với các xét nghiệm mũi gạc được sử dụng để chẩn đoán các trường hợp mắc COVID-19. Bằng cách phân tích mẫu máu, các nhà nghiên cứu sẽ có thể biết được liệu một người có thể sản sinh ra một số kháng thể nhất định trong máu để chống lại virus khi bị nhiễm và phục hồi. Như vậy, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể của một bệnh nhân sản sinh ra được kháng thể để chống việc tái nhiễm, thì những bệnh nhân này có thể không cần ở nhà như hàng triệu người dân khác và đi làm trở lại.

HẠNH NGUYÊN (Theo Hill, Times Of India)

Chia sẻ bài viết