28/08/2021 - 07:38

Mỹ đưa thêm tàu chiến ven bờ tới Biển Ðông 

Hải quân Mỹ đang tăng cường triển khai nhóm tàu tác chiến ven bờ (LCS) trên vùng Tây Thái Bình Dương, đặc biệt hướng tới vai trò lớn hơn ở Biển Ðông trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục “cưỡng ép, đe dọa và đưa ra yêu sách ngày càng phi lý” tại những khu vực tranh chấp.

Tàu USS Charleston (LCS 18) trong một lần thăm Philippines. Ảnh: Naval Post

Mỹ bắt đầu chương trình nghiên cứu, chế tạo tàu chiến ven biển kiểu mới vào năm 2004 và đưa vào hoạt động từ năm 2008.  Nhiệm vụ chủ yếu của loại tàu này là chống lại các tàu thuyền nhỏ chứa vũ khí của các nhóm khủng bố; ngăn chặn buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí; ngăn hành vi tiếp cận bờ biển và tiến hành các nhiệm vụ tác chiến.

Một trong những địa bàn mà đội tàu LCS thường được triển khai luân phiên là châu Á - Thái Bình Dương với mỗi đợt kéo dài 6-8 tháng. Riêng vùng nước phía Tây, Mỹ đang có hai tàu LCS hoạt động, dự kiến tăng gấp đôi vào cuối năm nay và sẽ có tổng cộng 8 tàu LCS hoạt động ở khu vực đến năm 2022. Theo kỳ vọng của giới chức hải quân Mỹ, đội tàu LCS có thể bổ sung sức mạnh cho những tàu chiến lớn hơn, phù hợp mục tiêu tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

LCS là loại tàu cỡ nhỏ, thiết kế theo kiểu mô-đun và có giá thành vừa phải với khoảng 360 triệu USD/chiếc. Cả hai lớp tàu LCS trong biên chế hải quân Mỹ hiện nay gồm USS Independence và USS Freedom đều đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh công nghệ cao với chức năng tàng hình, tầm hoạt động tương đối xa, tính năng cơ động cao và triển khai tác chiến nhanh. So với tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hạm đội 7, các quan chức hải quân nhìn nhận tàu LCS có nhiều ưu điểm hơn khi phối hợp hoạt động cùng những quốc gia đối tác trong khu vực.

Ðặc biệt ở môi trường đông đúc và tranh chấp như Biển Ðông, Chỉ huy Hạm đội 7 Bill Merz cho biết các tàu LCS nhỏ, nhanh hơn tàu khu trục nên rất khó trở thành mục tiêu và không dễ bị tiêu diệt. Hồi tháng 5, Phó Ðô đốc Merz cho biết nhóm tàu LCS triển khai ngoài khơi Singapore đã “kiểm soát Biển Ðông tương đối tốt” trước các hoạt động của Trung Quốc. Ðể tăng khả năng đối kháng, hải quân còn nâng cấp hỏa lực của các tàu ở Thái Bình Dương khi trang bị tới 8 ống phóng tên lửa hành trình chống hạm tiên tiến, đồng thời bổ sung robot tối tân giúp cải thiện khả năng phát hiện mục tiêu ngầm và diệt thủy lôi.

“Giữ chỗ” ở Thái Bình Dương

Kế hoạch của Mỹ tăng cường hoạt động của đội tàu LCS đã thu hút chú ý từ Trung Quốc khi nhiều nhà chuyên môn nhìn nhận sự hiện của lực lượng này đóng vai trò quan trọng đối với khả năng “sát thương phân tán”. Thay vì tập trung ở một vị trí như nhóm tác chiến tàu sân bay, chiến thuật này chú trọng việc phân tán hỏa lực giữa nhiều đơn vị và được áp dụng chủ yếu  để đối phó năng lực “chống can thiệp/chống tiếp cận” từ Trung Quốc.

Tuy vậy, giới phân tích vẫn có lý do nghi ngờ hiệu quả của nhóm tàu LCS trong bất kỳ cuộc xung đột nào với hải quân Trung Quốc. Lực lượng này trong năm qua đã vươn lên trở thành hạm đội lớn nhất thế giới và tốc độ hiện đại hóa nhanh đến mức được cho gần ngang bằng khả năng hải quân Mỹ. Nhưng nếu loại trừ hạn chế trong khả năng phòng thủ và lỗi cơ học, chuyên gia nghiên cứu Sidharth Kaushal cho rằng các tàu LCS có thể sắm vai trò biểu tượng cho sự hiện diện quân sự của lực lượng Mỹ ở các vùng biển tranh chấp; tạm thời lấp khoảng trống ở Thái Bình Dương cho đến khi hải quân bổ sung hoặc đưa vào hoạt động các khí tài mới phù hợp tình huống trực chiến.

Từ năm ngoái, hải quân Mỹ đã ký hợp đồng đóng mới khinh hạm tàng hình lớp Constellation với hạm đội dự kiến khoảng 20 chiếc. Ðược thiết kế cho khả năng đa nhiệm, các khinh hạm mới sẽ đảm trách hoạt động phòng không, phòng thủ mặt nước, chống tàu ngầm và tác chiến điện từ ở môi trường ven biển và đại dương. Nhưng trong 5 năm tới, nguồn lực của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương được dự đoán bị hạn chế khi chỉ mới đặt hàng hai tàu chiến và việc triển khai đầy đủ phải mất nhiều năm nữa. Thậm chí, lực lượng này có thể co lại khi ngân sách đề xuất cho năm tài chính tiếp theo chỉ mua thêm 4 tàu chiến, một tàu khu trục nhỏ trong khi có thể cho “về vườn” 15 tàu. Vì vậy trong ngắn hạn, hải quân Mỹ với quy mô hiện tại quá mỏng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tận dụng các tàu LCS hiện có.

MAI QUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết