30/11/2011 - 14:58

Mỹ động viên EU "tự cứu mình"

Giới lãnh đạo Mỹ-EU trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: BBC 

Hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Thủ đô Washington ngày 28-11 với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh EU đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ, tất bật tìm kiếm giải pháp cứu nguy nền kinh tế khu vực, kể cả việc cầu sự giúp đỡ từ bên ngoài. Vậy mà qua chuyến đi này, các nhà lãnh đạo EU chẳng gặt hái được gì từ đối tác chiến lược bên kia bờ Đại Tây Dương để vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay.

Sau cuộc gặp kéo dài một ngày tại Nhà Trắng, hai bên đã ra tuyên bố chung cam kết “thúc đẩy mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa một nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) với một khu vực kinh tế hùng mạnh nhất hành tinh (EU) nhằm tạo cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm”. Mỹ và 27 nước thành viên EU chiếm khoảng một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và gần 1/3 thương mại thế giới. Tổng thống Obama thừa nhận nếu châu Âu bị suy thoái hay khó khăn về kinh tế thì Mỹ sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong chính sách phục hồi tăng trưởng và tạo việc làm ở nước mình. Tuy nhiên, ngay cả Mỹ cũng nợ như chúa chổm và đang gặp phải rất nhiều khó khăn về tài chính, thì việc trút hầu bao cứu giúp người anh em bên kia bờ Đại Tây Dương trong lúc này quả thật không phải dễ. Vì thế mà ông Obama chỉ có thể ủng hộ suông về mặt tinh thần, khẳng định rằng chính phủ các nước châu Âu có đủ khả năng tài chính, do vậy phải sớm tìm cách tự cứu mình chứ không nên trông chờ vào các khoản hỗ trợ tài chính từ Washington.

Nhiều nguồn tin dẫn phát biểu của Đại sứ Mỹ tại EU William Kennard cho biết trong cuộc họp thượng đỉnh thường niên vừa qua với các quan chức hàng đầu châu Âu, Tổng thống Obama chỉ cam kết giúp đỡ các nước châu Âu về mặt tư vấn, chứ không đề cập tới bất kỳ phương án hỗ trợ tài chính cụ thể nào, ngay cả sự đóng góp vào quỹ cứu giúp châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo ông Obama, Mỹ sẵn sàng làm hết sức mình và luôn đứng bên cạnh châu Âu trong nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, nhưng trước hết các nhà lãnh đạo châu Âu phải có những hành động tập thể “nhanh chóng hơn, táo bạo hơn và quyết liệt hơn”.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-EU diễn ra giữa lúc có những mối quan ngại về tương lai của đồng euro và nền kinh tế Mỹ cũng đang gặp không ít khó khăn, nhất là tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao hơn 9%. Một số chuyên gia nói rằng nếu không sớm có những hành động quyết liệt, việc sụp đổ của đồng euro là không thể tránh khỏi. Các nhà lãnh đạo châu Âu có kế hoạch sẽ nhóm họp vào ngày 9-12 tới để thảo luận các hành động tiếp theo nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan của cuộc khủng hoảng nợ. Một phương án được báo chí Mỹ nhìn nhận là quyết liệt đang được tham khảo ý kiến, theo đó chính phủ các quốc gia sử dụng đồng tiền chung sẽ phải nhường phần lớn quyền kiểm soát ngân sách của mình cho một cơ quan trung ương của châu Âu. Đây là một bước đi được kỳ vọng sẽ giúp giữ ổn định châu Âu, nhưng lại bị những người chỉ trích cho là “xâm phạm chủ quyền quốc gia” của từng nước. Năm quốc gia đã và đang bị tác động mạnh nhất của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu là Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Giới lãnh đạo Mỹ-EU trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: BBC 

Chia sẻ bài viết