04/03/2014 - 09:26

Mỹ dọa không tiếp tục bảo vệ Israel

Tổng thống Barack Obama (phải) tiếp Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hồi tháng 9-2013. Ảnh: AP

Ngày 3-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về các nỗ lực hòa bình tại Trung Đông do Washington khởi xướng. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ đồng minh gần gũi của hai nước đang căng thẳng do những bất đồng gần đây liên quan đến vấn đề về Iran và Syrie, cũng như áp lực quốc tế ngày càng lớn yêu cầu Israel mau chóng đạt được thỏa thuận hòa bình với Palestine.

Trước thềm chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Obama cảnh báo Mỹ không thể giúp Israel tránh khỏi làn sóng phản đối quốc tế nếu không đạt được thỏa thuận hòa bình nào với Palestine. Đáp lại, ông Netanyahu tuyên bố sẽ giữ lập trường cứng rắn trước "mọi áp lực" đòi Israel phải nhượng bộ đối với người Palestine. Ông nói rằng để đạt được thỏa thuận hòa bình, người Palestine cần thể hiện thiện chí. "Để có được một thỏa thuận, chúng tôi cần phải đảm bảo các lợi ích sống còn của mình tại khu vực" - ông nhấn mạnh.

Tuyên bố của ông Netanyahu cùng với mối quan hệ vốn không thoải mái với Tổng thống Obama được cho đã làm căng thẳng không khí cuộc gặp của lãnh đạo hai nước tại Nhà Trắng. Sau hai thập niên thương lượng thường bị trì hoãn, trong đó có 5 năm hoàn toàn bế tắc sau khi ông Netanyahu quay lại nắm quyền lãnh đạo hồi năm 2009, Mỹ tái đề xướng các đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine hồi tháng 7-2013. Theo đó, thỏa thuận sơ bộ quanh vấn đề hòa bình cho người Palestine phải được đưa ra trong tháng tư tới. Do đó, ông Netanyahu đối mặt với sức ép phải sớm đưa ra định hướng rõ ràng hơn về hiệp ước hòa bình tương lai với người Palestine. Giới quan sát cho rằng ông Netanyahu có thể trả giá đắt về vấn đề chính trị trong nước nếu chấp nhận thỏa thuận hòa bình với Palestine, nhưng ông sẽ gặp khó khăn hơn nếu bị cộng đồng quốc tế cô lập, tẩy chay.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã công du Trung Đông hơn 10 lần để gặp và làm việc với ông Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ông Kerry cũng nhiều lần trao đổi qua điện thoại với hai nhà lãnh đạo này về cuộc đàm phán hòa bình trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào tiến triển mang tính bước ngoặt. Những tuần gần đây ông Kerry được kỳ vọng sẽ đưa ra khung chương trình đàm phán mà ông Netanyahu và Abbas sẽ đồng ý tiếp tục các cuộc thương lượng kéo dài đến một năm. Tuy vậy, những bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine vẫn còn lớn, cho nên sẽ không chắc chắn rằng ông Kerry sẽ đưa ra đề xuất trong bối cảnh như vậy.

Ngoài ra, việc Israel mở rộng định cư tại các phần đất mà người Palestine tuyên bố chủ quyền trong thời gian qua cũng làm trỗi lên lo ngại từ Mỹ và cộng đồng quốc tế về việc liệu nước này có thực hiện đúng cam kết hòa bình tại khu vực hay không. Ông Kerry cũng từng cảnh báo việc quốc tế sẽ tẩy chay Israel nếu nước này tiếp tục đẩy mạnh chính sách định cư trên phần đất tranh chấp.

Một vấn đề khác cũng được ưu tiên hàng đầu trong thảo luận là chương trình hạt nhân của Iran. Trước đó, các nhà vận động của Israel trong Ủy ban Quan hệ Mỹ - Israel (AIPAC) đã không thành công trong nỗ lực đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua dự luật buộc ông Obama ngừng thỏa thuận hạt nhân với Iran. Điều này khiến Israel phải đánh giá lại khả năng đưa ra quyền phủ quyết của mình đối với chính sách của Mỹ liên quan đến vấn đề an ninh của nhà nước Do Thái. Ngoài ra, các vấn đề khác tại Trung Đông được ông Obama và Netanyahu thảo luận còn có giải pháp cho tình hình tại Syrie và Ai Cập.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters nhận định chuyến thăm Mỹ của ông Netanyahu đã bị phủ bóng bởi cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina, nơi mà chính quyền Obama sẽ mất nhiều công sức để can dự và có thể phải trì hoãn các vấn đề Trung Đông.

THUẬN HẢI
(Theo AP, Guardian, Jerusalem Post)

Chia sẻ bài viết