20/08/2018 - 22:22

Mỹ “đẩy” Pakistan xích lại gần Nga 

Mỹ đã trừng phạt Pakistan vì không kiềm chế các tay súng phát động cuộc chiến chống chính phủ quốc gia láng giềng Afghanistan vốn được Washington hậu thuẫn. Trước đó, Nhà Trắng quyết định ngừng viện trợ quân sự cho Pakistan. Đại sứ Pakistan tại Mỹ Ali J. Siddiqui tuần rồi lên tiếng xác nhận với hãng tin NBC rằng Chính phủ Mỹ cũng đã “trảm” Chương trình huấn luyện và đào tạo quân sự quốc tế (IMET) có từ lâu giữa hai nước. IMET ra đời nhằm mục đích xây dựng quan hệ quân sự giữa hai quốc gia đồng minh này sau vụ khủng bố 11-9. Trong hơn một thập niên qua, nhiều chỉ huy quân đội Pakistan đã tham gia chương trình này. IMET là một kênh không chính thức nhưng khá hữu ích cho các nhà ngoại giao xứ cờ hoa.

Lễ khai mạc cuộc tập trận của đặc nhiệm Nga và Pakistan ở thành phố Mineralney Vody năm ngoái. Ảnh: samaa.tv

Giữa lúc các học viện quân sự Mỹ khó giữ chỗ cho 66 sĩ quan Pakistan trong năm nay, Bộ Quốc phòng Nga thông báo họ vừa đạt được một thỏa thuận mà qua đó cho phép các sĩ quan Pakistan học tập cùng đồng nghiệp Nga tại các học viện quân sự xứ bạch dương. Văn kiện trên được ký tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban tư vấn quân sự phối hợp Nga- Pakistan (JMCC), nơi mà Bộ Quốc phòng Nga mô tả là diễn đàn hợp tác quốc phòng cao nhất giữa hai nước. Ngoài ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự, gần đây Điện Kremlin còn “tác động nhẹ nhàng” đối với Islamabad bằng cách chuyển giao trực thăng và tiến hành tập trận chung. Đài phát thanh bằng tiếng Nga Dispatch News Desk cũng bắt đầu phát sóng tại Pakistan. Thời Chiến tranh Lạnh, hai quốc gia này từng coi nhau như kẻ thù, khi Pakistan và quân du kích do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn đã đánh thắng Hồng quân Liên xô ở Afghanistan vào thập niên 1980.

Giải thích về “sự dịch chuyển” của Pakistan, Kamal Alam, chuyên gia về Trung Đông tại Viện nghiên cứu United Services Hoàng gia tại Luân Đôn, cho rằng cách tiếp cận của chính quyền Washington bị coi là nguồn cơn khiến Islamabad thất vọng. Theo Alam, quân đội hùng mạnh của Pakistan dường như đã “nhận đủ từ Mỹ những đe dọa, hăm dọa tống tiền và cản trở các thương vụ”. Trong khi các hợp đồng mua sắm vũ khí, huấn luyện và đối thoại chiến lược giữa Nga và Pakistan bắt đầu rộ lên khoảng một thập niên trước, thì thái độ “ác cảm” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với chuyện cựu ngôi sao bóng gậy Imran Khan trở thành thủ tướng Pakistan đã tạo ra cơ hội cho Mát-xcơ-va gia tăng đáng kể ảnh hưởng tại quốc gia Nam Á này.

Được biết, Nga nằm trong số những quốc gia đầu tiên điều sĩ quan cấp cao đến Pakistan sau chiến thắng của ông Khan. Điện Kremlin cũng vượt mặt Washington trong chuyện chúc mừng thắng lợi của chính khách 65 tuổi. Tuy nhiên, quan hệ Nga-Pakistan ấm lên phần nào cũng là cách phản ứng đối với mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa chính quyền ông Trump với Thủ tướng Narendra Modi ở Ấn Độ, quốc gia thù địch của Islamabad. 

Tân thủ tướng Pakistan kêu gọi chống tham nhũng

Một ngày sau khi nhậm chức, hôm 19-8 tân Thủ tướng Pakistan Imran Khan kêu gọi giới nhà giàu nước này thực hiện nghĩa vụ đóng thuế (chưa đến 1% dân số Pakistan kê khai thuế thu nhập) và nhấn mạnh Pakistan sẽ bắt đầu chương trình “khắc khổ” để kéo giảm nợ công.

Phát biểu trên truyền hình và chỉ trích cái gọi là tư tưởng thời thuộc địa và lối sống hoang phí của giới tinh hoa cầm quyền, Thủ tướng Khan tuyên bố ông sẽ sống trong căn nhà nhỏ với 3 phòng ngủ, thay vì dinh thự lộng lẫy của thủ tướng. Nhà lãnh đạo Pakistan cũng dự định chỉ cần 2 người phục vụ, chứ không phải 524 người theo như quy định dành cho thủ tướng đương nhiệm. Lãnh đạo Phong trào vì công lý (PTI) thậm chí sẽ bán dàn xe chống đạn của văn phòng chính phủ để giúp đỡ Bộ Tài chính hiện gặp khó. Đây là quyết định mạo hiểm bởi các tay súng Hồi giáo vẫn luôn là mối đe dọa ở Pakistan.

 

THANH BÌNH (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết