28/10/2017 - 11:17

Mỹ công bố hồ sơ vụ ám sát Tổng thống Kennedy 

Năm mươi bốn năm kể từ sau khi vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ John F. Kennedy bị ám sát, Washington hôm 26-10 đã cho mở những phần tài liệu còn lại liên quan tấn thảm kịch của nước Mỹ năm 1963.

Dựa trên điều luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1992, tất cả tài liệu về vụ ám sát Tổng thống Kennedy đều được chuyển về Cục Lưu trữ Quốc gia. Luật cũng yêu cầu những phần còn giữ kín phải được giải mật toàn bộ trong 25 năm sau đó. Ngày 26-10 chính là hạn chót có hiệu lực của điều luật trên.

Tổng thống Kennedy ngay  trước khi bị ám sát. Ảnh: NBC News

Lâu nay, vụ ám sát Tổng thống Kennedy vẫn là chủ đề được phân tích và tranh luận công khai. Thực tế, BBC cho biết khoảng 88% hồ sơ đã được công bố cho đến nay, 11% đã giải mật và chỉ 1% còn giữ kín. Trong lần công bố mới này, Nhà Trắng cho biết sau các buổi họp đánh giá chớp nhoáng cuối cùng, Tổng thống Donald Trump trước áp lực của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cục Điều tra liên bang (FBI) quyết định chỉ cho công khai khoảng 2.800 tài liệu. Tất cả gồm các bức điện tín, ghi chú viết tay của CIA, bản ghi nhớ của FBI cùng những báo cáo được dán nhãn “bí mật” tiết lộ nhiều nghi vấn, bao gồm giả thuyết dính líu đến nhóm chống Chiến tranh Lạnh như Liên Xô cũ và Cuba. Những hồ sơ còn lại, cơ quan chức năng trước khi quyết định công bố sẽ có thêm thời gian 6 tháng để đánh giá “những nguy cơ tiềm ẩn” đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Việc chính quyền Trump trì hoãn công khai một số tài liệu có thể dấy lên nghi ngờ rằng chính phủ vẫn đang bảo vệ “bí mật” của vụ việc. Bác bỏ khả năng này, các quan chức Nhà Trắng tuyên bố không hề có sự bao che nào và khẳng định động thái này chỉ là để tránh làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, hệ thống thực thi pháp luật, phương pháp thu thập tình báo hoặc quan hệ ngoại giao. Trong khi đó, giới sử gia hy vọng các tài liệu mặc dù không hoàn chỉnh nhưng có thể giúp họ tiếp cận gần hơn, thậm chí giải đáp những nghi vấn còn sót lại bao gồm câu hỏi liệu có ai tham gia vụ ám sát ngoài thủ phạm duy nhất bị bắt giữ; hoặc có thể loại trừ thuyết âm mưu và đưa ra những giả thuyết vững hơn về cái chết của một trong những vị tổng thống được công chúng Mỹ yêu mến.

Vụ ám sát chấn động nước Mỹ

Ngày 22-11-1963, Tổng thống Kenedy cùng Đệ nhất phu nhân Jacqueline tới thành phố Dallas, bang Texas để vận động cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo. Theo bản phúc trình năm 1964, Tổng thống Kennedy bị bắn 3 phát đạn vào khoảng 11h30 trưa ngày 22-11-1963 khi chiếc limousine mui trần chở tổng thống cùng đoàn xe hộ tống diễu hành qua các tuyến phố hướng vào trung tâm Dallas. Đến 13 giờ cùng ngày, Tổng thống Kennedy qua đời tại phòng cấp cứu bệnh viện Parkland.

Gần một tiếng đồng hồ sau vụ ám sát, nghi phạm duy nhất Lee Harvey Oswald bị bắt giữ sau khi giết một cảnh sát. Báo cáo cho thấy y từng là lính thủy quân lục chiến Mỹ đào tẩu sang Liên Xô cũ rồi trở về Mỹ. Oswald đã phủ nhận cáo buộc ám sát tổng thống. Hai ngày sau đó, nghi phạm bị chủ hộp đêm ở Dallas Jack Ruby bắn chết trên đường di chuyển từ sở cảnh sát đến nhà tù địa phương.

Trong bản ghi chép của FBI công bố năm 1963, cơ quan này khẳng định “không có gì khác hơn ngoài nghi phạm Oswald, ngoại trừ việc y đã chết”. Một năm sau đó, Ủy ban Warren điều tra vụ ám sát đưa ra kết luận Oswald là tay súng duy nhất. Một cuộc điều tra khác của Quốc hội Mỹ vào năm 1979 cho biết không tìm thấy bằng chứng ủng hộ giả thuyết CIA đứng sau vụ ám sát. Tuy nhiên, phần lớn công chúng Mỹ chưa bao giờ bị thuyết phục bởi lời giải thích của chính phủ. Ngoài sự tham gia của CIA, người ta còn đặt giả thuyết rằng cái chết của Tổng thống Kennedy có liên quan đến mafia hoặc nhóm chống Chiến tranh Lạnh, bất chấp phản đối của Liên Xô cũ và Cuba. Thậm chí còn có giả thuyết cho đây là “âm mưu chính trị” của vị Tổng thống kế nhiệm Lyndon Johnson.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết