Mỹ đang ra sức trấn an các đồng minh cũng như tìm kiếm biện pháp mới trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố thử thành công quả bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 3-9.
Tên lửa đạn đạo Hyunmoo II được Hàn Quốc phóng đi trong cuộc tập trận ngày 4-9.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh bằng “tất cả những năng lực sẵn có về ngoại giao, vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân”.
Trên Twitter sau đó, ông Trump tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ kinh tế với bất kỳ quốc gia nào có làm ăn với Bình Nhưỡng (kể cả Trung Quốc). Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cho biết đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt mới nhằm “cô lập hoàn toàn Triều Tiên về mặt kinh tế”. Được biết, ngoài thương mại, Mỹ có thể yêu cầu các nước trục xuất lao động Triều Tiên- vốn là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis còn tỏ ra cứng rắn hơn khi khẳng định sẽ đáp trả Triều Tiên một cách mạnh mẽ. “Bất kỳ mối đe dọa nào đối với Mỹ hoặc vùng lãnh thổ, bao gồm Guam, hoặc các đồng minh của chúng tôi, sẽ bị đáp trả bằng phản ứng quân sự dữ dội - một đòn đáp trả có hiệu quả và áp đảo”, ông Mattis khẳng định sau cuộc họp với tổng thống và đội ngũ an ninh quốc gia. Tướng thủy quân lục chiến này cho biết Washington không nhắm đến “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, nhưng nói thêm rằng “Chúng tôi có nhiều phương án để làm vậy”. Trong khi đó, Tổng thống Trump khi được hỏi có tấn công Bình Nhưỡng hay không chỉ trả lời úp mở rằng “Hãy chờ xem”.
Washington từng nhiều lần tuyên bố đang cân nhắc mọi sự lựa chọn, kể cả giải pháp quân sự, để giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Jeff Flake, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng hiện Mỹ không có sự lựa chọn nào là tốt cả. Theo ông, các lệnh trừng phạt đã không làm chậm sự tiến bộ trong chương trình vũ khí của Triều Tiên và ông không nghĩ rằng khẩu chiến sẽ mang lại kết quả.
Đáng chú ý là trong lúc lẽ ra Mỹ phải tạo dựng một mặt trận thống nhất để đối phó Triều Tiên thì ông Trump lại lên tiếng chỉ trích đồng minh Hàn Quốc. Cụ thể, ông chủ Nhà Trắng viết trên Twitter rằng: “Hàn Quốc đang nhận ra, như tôi đã nói với họ, rằng nhượng bộ với Triều Tiên sẽ không có tác dụng”. Có lẽ ông Trump muốn ám chỉ sáng kiến hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae -in, theo đó thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi chính sách, hướng tới phi hạt nhân thông qua đối thoại và giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, cũng như những “lăn tăn” của Seoul khi tiếp nhận Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) từ Washington.
Hàn Quốc đã lập tức có sự hồi đáp nhẹ nhàng. Nhà Xanh trong một tuyên bố nêu rõ: “Đất nước đã trải qua một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Không thể để sự tàn phá của chiến tranh lặp lại. Vì vậy, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc và tiếp tục thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo bằng các biện pháp hòa bình cùng với các đồng minh”. Đồng thời, Seoul cũng phủ nhận những bất đồng với Washington trong việc đối phó Triều Tiên, khẳng định hai bên luôn nhất trí là cần áp đặt các biện pháp trừng phạt và gây áp lực tối đa để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Trong một động thái được cho là nhằm xoa dịu Tổng thống Mỹ, Bộ Môi trường Hàn Quốc hôm qua đã quyết định đồng ý có điều kiện việc triển khai THAAD, dỡ bỏ rào cản hành chính để triển khai đầy đủ hệ thống phòng thủ này.
Hàn Quốc tập trận tên lửa đạn đạo
Quân đội Hàn Quốc sáng 4-9 đã tiến hành tập trận bắn đạn thật nhằm mục tiêu vào nơi được giả định là bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.
Cuộc tập trận chung giữa lục quân và không quân có sự tham gia của tên lửa đạn đạo Hyunmoo II và máy bay chiến đấu F-15K. Thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho hay tên lửa đất đối đất Hyunmoo và tên lửa không đối đất tầm xa được bắn từ các máy bay F-15K đã đánh trúng các mục tiêu giả định ở vùng biển phía Đông nước này.
Cùng ngày, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin Seoul đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo mới, có thể là ICBM.
QUỐC KHÁNH (Theo BBC, Reuters)