HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian, CNN)
Việc Trung Quốc cam kết ủng hộ Nga về vấn đề “chủ quyền và an ninh” đã khiến Mỹ cảnh báo Bắc Kinh có nguy cơ rơi vào “mặt sai của lịch sử”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2019. Ảnh: Xinhua
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15-6 đã có cuộc điện đàm, trong đó ông Tập nói rằng Trung Quốc “sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Nga về các vấn đề liên quan đến những lợi ích cốt lõi và lo ngại lớn như chủ quyền và an ninh”. Ông Tập cũng ca ngợi đà phát triển mối quan hệ song phương từ đầu năm nay “trước sự bất ổn và thay đổi toàn cầu”.
Theo thông báo của Ðiện Kremlin, Tổng thống Putin đã đồng ý với Chủ tịch Tập về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tài chính, công nghiệp, giao thông vận tải và các ngành khác, “giữa lúc tình hình kinh tế toàn cầu trở nên phức tạp hơn do chính sách cấm vận không chính thức của phương Tây”.
Ðây là cuộc gọi thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24-2. Ðến nay, Trung Quốc không lên án chiến dịch của Nga và bị cho là bảo vệ Mát-xcơ-va về mặt ngoại giao bằng cách cản trở các lệnh trừng phạt Nga liên quan xung đột Ukraine. Bắc Kinh còn chỉ trích phương Tây vì cung cấp vũ khí cho Kiev.
Phản ứng trước cuộc điện đàm trên, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày đã bày tỏ quan ngại về điều mà Washington xem là Trung Quốc đứng về phía Nga trong vấn đề Ukraine. “Trung Quốc tuyên bố trung lập, nhưng hành vi của nước này rõ ràng cho thấy vẫn đang đầu tư vào những mối quan hệ gần gũi với Nga”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh trong thông cáo. Theo quan chức này, Washington “đang theo dõi sát sao hoạt động của Bắc Kinh”.
Nga, Trung xích lại gần nhau hơn
Mát-xcơ-va và Bắc Kinh đã tăng cường hợp tác về chính trị, thương mại và quân sự trong những năm gần đây nhằm đối trọng với sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Ngay trước khi chiến sự Ukraine nổ ra, Tổng thống Putin đã đến Trung Quốc để ký thỏa thuận hợp tác và tuyên bố không có giới hạn trong mối quan hệ
song phương.
Tuần rồi, Nga và Trung Quốc cũng đã khánh thành cây cầu đường bộ đầu tiên giữa hai nước với hy vọng nhằm gia tăng thêm hoạt động thương mại. Cây cầu bắc qua sông Hắc Long Giang, nối liền thành phố Blagoveshchensk của Nga với thành phố Hắc Hà của
Trung Quốc.
Mát-xcơ-va dự kiến sẽ thông quan khoảng 4 triệu tấn hàng hóa và 2 triệu hành khách mỗi năm khi cây cầu trị giá 369 triệu USD này đi vào hoạt động hoàn toàn. Cơ sở hạ tầng này nhiều khả năng sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc, vốn được dự báo sẽ tăng khi Mát-xcơ-va ngày càng hướng tới Bắc Kinh để hợp tác kinh tế.
Ngoài ra, cây cầu thứ hai - cầu đường sắt duy nhất kết nối hai nước - dự kiến cũng sẽ sớm thông xe. Dự án cầu đường sắt này, nằm xa hơn về phía Ðông dọc theo sông Hắc Long Giang nối thành phố Ðồng Giang của Trung Quốc và Nizhneleninskoye của Nga.
Các cây cầu mới cho thấy mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển, bao gồm mục tiêu đạt 200 tỉ USD giá trị thương mại vào năm 2024, tăng từ mức 146 tỉ USD năm 2021. Trung Quốc năm ngoái là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch tăng hơn 30% so với năm 2019.