01/07/2020 - 08:18

Mỹ bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong 

Mỹ bắt đầu loại bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong (Trung Quốc) bằng việc hạn chế quyền tiếp cận của vùng lãnh thổ nói trên đối với thiết bị quốc phòng cùng lúc Bắc Kinh thông qua luật an ninh mới cho đặc khu hành chính này.

Cảnh sát chống bạo động được triển khai tại các khu trung tâm ở Hong Kong. Ảnh: Getty Images

Phát biểu hôm 29-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington buộc phải đánh giá lại chính sách sau quyết định của Trung Quốc “tước quyền tự do của Hong Kong”, vi phạm cam kết trong Tuyên bố chung Trung-Anh. Tuyên bố này quy định Hong Kong tiếp tục duy trì nền dân chủ và quyền dân sự theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ” trong ít nhất 50 năm kể từ thời điểm Anh trao trả lãnh thổ cho Trung Quốc vào năm 1997. Ðây cũng là điều kiện để Hong Kong nhận ưu đãi và được đối xử khác biệt với cách mà Mỹ đối xử với Trung Quốc đại lục.

Nhưng từ tháng rồi, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cân nhắc loại bỏ chính sách ưu đãi khi Bắc Kinh ra dự luật an ninh mới cho Hong Kong. Trong động thái cứng rắn, Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần trước đã áp lệnh cấm thị thực với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm quyền tự do của công dân Hong Kong. Ðến hôm 29-6, Washington tiếp tục đình chỉ hoạt động xuất khẩu quốc phòng có kiểm soát sang Hong Kong và áp dụng các bước tương tự đối với những mặt hàng sở hữu công nghệ nhạy cảm hoặc dùng cho cả mục đích thương mại và quân sự. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nước này đã xuất khẩu trang bị quân sự trị giá hơn 75 triệu USD tới Hong Kong trong năm 2019, trong đó có 64 triệu USD là động cơ và tua-bin dành cho các thiết bị quân sự, 7,8 triệu USD là các khí tài và 3,5 triệu USD là xe tăng, pháo, tên lửa, súng và đạn dược.

 “Mỹ buộc phải hành động để bảo vệ an ninh quốc gia. Chúng tôi không còn phân biệt được các mặt hàng được xuất khẩu cho Hong Kong hay Trung Quốc đại lục” - ông Pompeo trần tình. Theo lời Ngoại trưởng Mỹ, Washington sẽ tiếp tục cân nhắc những đặc quyền khác mà Hong Kong đã được hưởng và có biện pháp bổ sung dựa trên tình hình thực tế. Ngay sau thông báo trên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho hay các quy định ưu đãi thương mại cho Hong Kong như ngoại lệ về giấy phép xuất khẩu cũng bị ngưng lại.

Phản ứng của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc chính thức thông qua luật an ninh dành cho Hong Kong vào sáng 30-6 và dự kiến bổ sung vào Luật Cơ bản của đặc khu mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Giới phân tích suy đoán động thái này là để tránh lặp lại kịch bản năm 2003, khi đó chính quyền Hong Kong buộc phải tạm hoãn một dự luật an ninh tương tự sau các cuộc biểu tình rầm rộ. Mặt khác, nhiều người cho rằng Trung Quốc thông qua dự luật trước thời điểm kỷ niệm ngày chuyển giao Hong Kong từ Anh (1-7) cho thấy thông điệp cứng rắn của Bắc Kinh, đó là họ đang chịu trách nhiệm đối với Hong Kong và các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để “bảo vệ an ninh quốc gia”.

Theo bản tóm tắt đã công bố trước, luật mới sẽ hình sự hóa những hành vi ly khai, lật đổ chính quyền, khủng bố và thông đồng thế lực nước ngoài can thiệp vấn đề nội bộ. Ngoài giám sát giáo dục về an ninh quốc gia tại các trường học, Bắc Kinh được quyền lập cơ quan an ninh theo dõi thực thi luật mới và cơ quan tình báo tại Hong Kong. Luật này dự kiến ​có hiệu lực vào ngày 1-7 và theo Tổng Biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo Hồ Tích Tiến, hình phạt nặng nhất là án tù chung thân với các hành vi vi phạm.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết