06/11/2019 - 13:32

Mỹ bắt đầu rút khỏi thỏa thuận khí hậu 

Là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, nhưng Mỹ lại là nước đầu tiên từ ​​bỏ nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu sau tuyên bố của Washington chính thức rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.

Ngôi làng Kivalina ở Alaska (Mỹ) là một trong những cộng đồng ven biển bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao. Ảnh: AFP

Hôm 4-11, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết chính quyền Donald Trump đã gửi thông báo chính thức đến Liên Hiệp Quốc về kế hoạch nói trên. Theo ông Pompeo, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tạo thêm gánh nặng kinh tế không công bằng đối với công nhân, doanh nghiệp và người nộp thuế Mỹ. Mặt khác, ông Pompeo cho biết Mỹ với mô hình thực tế-thực dụng vẫn là nước dẫn đầu trong cắt giảm khí thải, đảm bảo khả năng thích ứng, phát triển kinh tế và năng lượng cho người dân. Tự hào với thành tích này, Washington cam kết tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế vì tương lai thịnh vượng, ít khí thải với các nguồn năng lượng an toàn hơn.

Trước tuyên bố trên, cựu Ngoại trưởng John Kerry và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel dưới thời Tổng thống Barack Obama gọi đây là “khoảnh khắc đen tối” cho nước Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thì cáo buộc chính quyền Trump đang “bán rẻ” tương lai thế hệ người Mỹ sau này. Thỏa thuận Paris được ký bởi 195 quốc gia sau quá trình đàm phán vào năm 2015, trong đó các nước cam kết tự nguyện cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) nhằm giữ nhiệt độ Trái đất trong thế kỷ này tăng không quá 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Khi tranh cử năm 2016, Tổng thống Trump liên tục chỉ trích thỏa thuận này là “thảm họa” vì cho rằng nó hủy hoại kinh tế Mỹ trong khi cho phép những quốc gia gây ô nhiễm lớn khác như Trung Quốc tăng lượng khí thải. Sau khi nhậm chức, chủ nhân Nhà Trắng ngay lập tức cho biết Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris “càng sớm càng tốt”.

Theo quy định, tiến trình này sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ thời điểm gởi thông báo chính thức. Như vậy, Washington sẽ thoái lui hoàn toàn vào ngày 4-11-2020, tức một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trường hợp ông Trump tái đắc cử, sẽ không ngạc nhiên khi Mỹ tiếp tục đứng ngoài công cuộc chống biến đổi khí hậu. Ngược lại, các ứng viên đảng Dân chủ đều cam kết tái tham gia thỏa thuận nếu giành chiến thắng. Tờ Washington Post dẫn kết quả thăm dò cho biết phần lớn người Mỹ tin hoạt động của con người đang tác động tiêu cực đến môi trường và 50% đề nghị có giải pháp khẩn cấp nếu nhân loại không muốn gánh hậu quả nặng nề. So với cách đây 5 năm, số người Mỹ nhìn nhận “khủng hoảng biến đổi khí hậu” ngày càng tăng với 2/3 nói rằng ông Trump làm quá ít để giải quyết vấn đề.

Lập luận vì lợi ích kinh tế của chính quyền Trump cũng vấp phải chỉ trích từ giới phê bình khi một số chuyên gia cho đây là sách lược tồi về kinh tế. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore từng đạt giải Nobel Hòa bình còn mô tả quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 là hành vi “nguy hiểm” và “vô trách nhiệm” khi đã có hàng loạt cảnh báo khoa học về tác động không thể đảo ngược thậm chí dẫn tới thảm họa nếu thế giới thất bại trong việc cắt giảm khí thải nhà kính. Trước viễn cảnh ảm đạm này, các tổ chức địa phương tại nhiều tiểu bang tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục chung tay chống biến đổi khí hậu, bất chấp quyết định từ chính phủ liên bang. Một trong số này là Liên minh Khí hậu Mỹ gồm thống đốc của 25 tiểu bang, đại diện cho 55% dân số cả nước.

Pháp-Trung ký hiệp ước “không đảo ngược” về khí hậu

Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc đang diễn ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình sẽ ký hiệp ước với điều khoản “không đảo ngược” Thỏa thuận Paris, theo thông báo của Điện Élysée. Văn phòng Tổng thống Pháp lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ và khẳng định động thái của Washington càng cho thấy quan hệ đối tác Pháp-Trung về khí hậu và đa dạng sinh học là điều cần thiết.

MẠNH TRƯỜNG (Theo Washington Post, Guardian)

Chia sẻ bài viết