15/07/2020 - 06:08

Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông 

Thách thức tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13-7 nói rõ Bắc Kinh sẽ không được phép coi vùng biển chiến lược này là “đế chế hàng hải”.

Mỹ xác định các hoạt động cải tạo, quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp. Ảnh: INQUIRER.net

Trước đây, Mỹ từng nhiều lần chỉ trích yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng không đưa ra quan điểm chính thức đối với tranh chấp khu vực. Nhưng trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng Washington đang làm rõ một điều, đó là hầu hết các tuyên bố của Trung Quốc đối với tài nguyên bên ngoài vùng biển của nước này đều bất hợp pháp; rằng “chiến dịch bắt nạt để kiểm soát” của Bắc Kinh là hành vi sai trái.

Xác định Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực, tuyên bố nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ trong hoạt động bảo vệ chủ quyền của các đồng minh, đối tác Đông Nam Á. “Chúng tôi sát cánh cùng cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải, tôn trọng chủ quyền và phản đối mọi nỗ lực đằng sau lập luận chân lý thuộc về kẻ mạnh ở Biển Đông hoặc khu vực rộng lớn hơn” - Ngoại trưởng Mỹ nói rõ.

Thông báo được đưa ra một ngày sau dịp kỷ niệm 4 năm Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết bác tuyên bố của Bắc Kinh về “các quyền lịch sử” đối với vùng biển nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Ông Pompeo cho biết Mỹ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia ở ngoài khơi Malaysia, các vùng biển được coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và đảo Natuna Lớn thuộc quần đảo Natuna ở ngoài khơi Indonesia. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump không thừa nhận tuyên bố lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp của Bắc Kinh đối với bãi ngầm James - cấu trúc chìm hoàn toàn cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý nhưng được đề cập như “phần lãnh thổ cực Nam” của nước này.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã lập tức lên tiếng phản đối và nói rằng cáo buộc Bắc Kinh “bắt nạt láng giềng” là hết sức phi lý.

Trong Sách trắng Quốc phòng công bố ngày 14-7, Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ trên biển Hoa Đông, đẩy mạnh nỗ lực đơn phương và mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Trong khi đó, tuyên bố mạnh mẽ mới nhất của chính quyền Trump nhận được sự ủng hộ từ những thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ tại Quốc hội Mỹ. Theo các nghị sĩ, việc Washington “mập mờ” về chính sách đối với các tuyên bố của Trung Quốc tại Biển Đông không còn phục vụ lợi ích chung của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Kinh “hành động hung hăng và không tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Tuy Mỹ khẳng định giữ thái độ trung lập trong tranh chấp giữa các nước, nhưng chuyên gia Gregory Poling tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng bước đi mới có ý nghĩa quan trọng khi phản ánh quốc tế không tiếp tục im lặng trước những tuyên bố và hành động phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong đó, việc xác định rõ hành vi “bất hợp pháp” của Trung Quốc, ủng hộ quyền của các quốc gia trong khu vực còn là cơ sở để Washington đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đồng minh, đối tác ở vùng biển chiến lược này.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết