04/05/2020 - 06:40

Mưu đồ thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc
Kỳ cuối: Cạm bẫy kích động đen tối và hiếu chiến 

Các hành động thô bạo, hung hăng và bắt nạt của Trung Quốc đang  đe dọa tiến trình đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Đông, đồng thời gây căng thẳng, tạo ra tình thế nguy hiểm cho hòa bình, an ninh hàng hải trong khu vực. 

Nguy cơ mất ổn định lâu dài 

Bất chấp đại dịch COVID-19, tàu chiến Mỹ và Úc vẫn tham gia tập trận duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh), những hành động liên tiếp trong thời gian qua của Trung Quốc từ việc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đưa tàu Hải Dương địa chất 8 xuống khảo sát ở khu vực Biển Đông, cho đến xác lập đơn vị hành chính cấp quận ở Trường Sa và Hoàng Sa là các yếu tố ẩn chứa sự mất ổn định lâu dài trong khu vực. Ông cho rằng, những động thái mới nhất của Trung Quốc không thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, nhưng là một phần trong nhiều bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi pháp và hợp thức hóa việc chiếm giữ các đảo, thực thể trên Biển Đông, đồng thời áp dụng chiến thuật giữ xung đột ở cường độ thấp. Vì thế, các cuộc đàm phán ở vòng 2 giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đang diễn ra về COC nhằm mang lại an ninh cho khu vực sẽ khó khăn hơn khi Bắc Kinh đơn phương gây căng thẳng trong khu vực.

Bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 9-4 nêu rõ: “Hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”.

Trung Quốc còn đe dọa an ninh hàng hải khu vực bằng sức mạnh quân sự. Nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh có thể đã triển khai chiến đấu cơ J-10 và J-11 đến đảo Phú Lâm mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tại các bãi đá Xu Bi, Chữ Thập, Vành Khăn (quần đảo Trường Sa) mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép thì kết cấu hạ tầng cho phép đồn trú chiến đấu cơ J-11, máy bay trinh sát.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể triển khai oanh tạc cơ H-6K có tầm tác chiến đến 1.600km bao phủ cả khu vực Hoàng Sa lẫn Trường Sa; các loại tên lửa đối hạm có tầm bắn từ 290km đến 9.000km. Lực lượng tàu ngầm hơn 50 chiếc của Trung Quốc cũng là mối đe dọa tiềm tàng ở khu vực Biển Đông.

Cẩn trọng với cạm bẫy “kích động”

Trung Quốc không những có các hành vi gây phản ứng từ Việt Nam mà còn các nước khác trong khối ASEAN, nhất là với Philippines và Malaysia, nên đây là lúc các quốc gia này có một “điểm chung” để hợp tác đối phó. Là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam hiện ở thế chủ động để tập hợp tiếng nói chung lên án Trung Quốc có các hành vi đe dọa an ninh, hòa bình tại Biển Đông. 

Những hành động có tính toán vừa qua của Trung Quốc được cho nhằm chọc giận các nước trong khu vực, và qua đó “kích động” các nước phản kháng thái quá để Trung Quốc tự do ra tay giữa đại dịch COVID-19. Trước cạm bẫy đen tối và hiếu chiến đó, giới chuyên gia cho rằng cách tốt nhất là các nước khu vực nên bình tĩnh, thận trọng, sử dụng các biện pháp ngoại giao như trao công hàm hoặc phản đối trực tiếp, hay đưa sự việc ra các diễn đàn khu vực và quốc tế, quan trọng nhất là LHQ. 

Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30-3 mà Việt Nam gởi lên Tổng Thư ký LHQ đã trình bày một cách hệ thống và đầy đủ các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề pháp lý chính ở Biển Đông. Công hàm khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Công hàm cũng khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trước hết, Công hàm phản đối một cách hệ thống các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế của Trung Quốc, bao gồm yêu sách “đường chín đoạn” và yêu sách “Tứ Sa”. Các yêu sách đó hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS 1982, đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Nội dung Công hàm được xây dựng dựa trên các quy định của Công ước UNCLOS 1982, đồng thời phù hợp với kết luận quan trọng của Tòa Trọng tài năm 2016.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết