02/05/2020 - 19:51

Mưu đồ thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc
Kỳ 2: Từ yêu sách “đường lưỡi bò” đến thủ đoạn “Tứ Sa” 

Không chỉ các chiêu trò củng cố chủ quyền, thực hiện hành động thô bạo, hung hăng và dọa nạt, Trung Quốc đã chứng tỏ chiến lược bành trướng lâu dài và thủ đoạn thâm hiểm giữa đại dịch COVID-19.

Đẩy mạnh yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp

Để ngụy biện cho các hành động dọa nạt hung hăng và dối trá của mình trên Biển Đông, Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã gởi công hàm ngày 23-3 lên Tổng Thư ký LHQ, trong đó đưa ra những yêu sách vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Sau khi Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ ngày 30-3 gửi công hàm lên Tổng Thư ký LHQ phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hôm 2-4.

Đến ngày 10-4, Việt Nam tiếp tục gởi công hàm lên LHQ tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 17-4, trong công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ, Trung Quốc đã ngang ngược cáo buộc Việt Nam “đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp”.

Chỉ một ngày sau công hàm trắng trợn đó, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trụ sở của “quận Tây Sa” (quản lý luôn Trung Sa) đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và “quận Nam Sa” đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh các “quận Tây Sa”, “quận Nam Sa” và “thành phố Tam Sa” đều vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.

Nhưng cũng chỉ một ngày sau, Bộ Dân chính Trung Quốc tự tiện công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông. Ngoài việc đặt tên cho các thực thể này, Trung Quốc cũng công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể. Nhiều đảo đá và thực thể này xuất hiện ở phần phía Tây Biển Đông và nằm dọc theo “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra. Đáng chú ý, trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở khoảng 50 hải lý.

Thủ đoạn “Tứ Sa” đã chuẩn bị sẵn

Giới phân tích nhận định, ngay cả khi không có đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn tiến hành chiến lược bài bản và dài hơi nhằm thâu tóm Biển Đông. Tuy nhiên, đại dịch là cơ hội để Trung Quốc lợi dụng giành thế áp đảo trong tranh chấp.

Trên thực tế, vào năm 2012, Trung Quốc đã ngang nhiên lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm và trực thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý “Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”. Giờ đây, “thành phố Tam Sa” đang có khoảng 1.800 người sinh sống, theo truyền thông Trung Quốc. Cùng với sự ra đời của “thành phố Tam Sa” và nhiều công trình xây dựng, Trung Quốc bắt đầu tăng cường cải tạo các hòn đảo, bãi đá mà họ chiếm đóng phi pháp của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (Hà Lan) trong vụ kiện Biển Đông (12-7-2016) của Philippines, Trung Quốc đã có dấu hiệu thúc đẩy thủ đoạn thâm hiểm mới, tạm gọi là yêu sách “Tứ Sa” nhằm thay thế chiến lược “đường chín đoạn” thô thiển mà Tòa bác bỏ. Bước điều chỉnh này xuất hiện trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cùng ngày Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết chống lại yêu sách phi lý của Bắc Kinh. Yêu sách “Tứ Sa” cũng được nêu rõ trong Sách Trắng của Quốc Vụ viện Trung Quốc ngày 13-7-2016, trong đó lần đầu tiên Bắc Kinh đề cập tới lập trường “Nam Hải Chư đảo” (các đảo ở Biển Đông).

Dư luận quốc tế bắt đầu quan tâm đến thuật ngữ “Tứ Sa” sau khi báo chí Mỹ cảnh báo về việc quan chức Vụ Luật pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề cập tới yêu sách này trong Đối thoại biển thường niên giữa Mỹ - Trung Quốc vào tháng 8-2017. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra lập trường “Tứ Sa” trong một trao đổi đối ngoại. Công hàm ngày 12-12-2019 cũng là lần đầu tiên Trung Quốc đưa công khai và đầy đủ lập trường liên quan đến Nam Hải Chư đảo ở LHQ.  Yêu sách đòi hỏi chủ quyền “Tứ Sa” ở Biển Đông của Trung Quốc gồm bốn nhóm đảo thuộc Nam Hải Chư đảo: Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfields hoàn toàn nằm dưới nước ngay cả khi triều xuống thấp). Thủ đoạn “Tứ Sa” được đánh giá là nguy hiểm vì kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn yêu sách “đường chín đoạn”. Tuy nhiên, giống như “đường chín đoạn”, “Tứ Sa” cũng không phù hợp với luật pháp quốc tế.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Kỳ cuối: Cạm bẫy kích động đen tối và hiếu chiến 

 

Chia sẻ bài viết