01/03/2011 - 09:33

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Mục tiêu trước mắt là đưa lao động về nước an toàn

 

Chiều 28-2, bên lề cuộc làm việc của Ban chỉ đạo giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi về nước chuẩn bị cho các tổ công tác liên ngành đến các nước lân cận Lybia bổ sung nhân lực cho các cơ quan đại diện, trợ giúp các Đại sứ quán nắm tình hình, hỗ trợ lao động Việt Nam di chuyển, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã gặp gỡ phóng viên Thông tấn, báo chí (PV), cho biết thêm về tình hình và tiến độ hỗ trợ lao động Việt Nam tại Lybia về nước.

* PV: Xin Bộ trưởng có thể cho biết đôi điều về tình hình lao động Việt Nam ở Lybia hiện nay?

- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Tin mới nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được là hơn 1.000 người đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung ở sân bay rất đông. Vì thế, Bộ đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để thuê 2 chiếc máy bay, đưa lao động ta về nước.

Thời gian qua, việc chỉ đạo đều thông suốt. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nắm được đầy đủ thông tin, liên hệ được với các Ban quản lý lao động và các Đại sứ quán. Ở những nơi phức tạp, lao động Việt Nam vẫn chưa ra được khỏi Lybia, ta đang đàm phán để nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM).

Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng và tích cực vào cuộc, không chậm hơn so với bất cứ nước nào. Khoảng 1.000 lao động Việt Nam đã về nước, khỏe mạnh, an toàn. Phần lớn số lao động còn lại đã ra khỏi biên giới Lybia. Theo báo cáo từ các ban quản lý lao động của các doanh nghiệp, trong một vài ngày tới, các đối tác sẽ đưa khoảng 2.800- 3.000 lao động Việt Nam tới các nước thứ ba. Sẽ bằng mọi cách bảo đảm đưa một bộ phận lao động chưa ra khỏi Lybia về nước, càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, việc này không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Vì máy bay muốn tới đó cũng mất hơn 10 tiếng đồng hồ. Các bộ ngành, cơ quan, đơn vị hữu quan cũng đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến bay tiếp tế lương thực, thực phẩm và đón lao động Việt Nam tập kết tại Ai Cập về nước. Đại sứ quán Việt Nam bên đó đã chuẩn bị kỹ danh sách lao động lên máy bay. Sau khi hạ cánh khoảng hai tiếng, máy bay sẽ đưa lao động Việt Nam trở về. Các đoàn công tác sẽ ở lại hỗ trợ cho việc di chuyển lao động Việt Nam về nước.

Chính phủ rất quan tâm công việc này. Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao chỉ đạo liên tục, bất kể ngày đêm, để xử lý thông tin, giải quyết các tình huống. Tới thời điểm này, công việc vẫn được tiến hành rất tốt. Tin mới nhất, rất mừng là qua đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ có hai chuyên cơ đưa lao động Việt Nam về nước.

* PV: Xin được biết thêm về chính sách hỗ trợ đối với những lao động từ Lybia về nước?

- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Trước mắt, mỗi lao động từ Lybia về nước sẽ được hỗ trợ một triệu đồng làm lộ phí về quê. Cho tới khi đưa được hết lao động về nước, sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật và hợp đồng lao động để giải quyết tiếp. Đây là việc xảy ra ngoài ý muốn, không phải lỗi doanh nghiệp, không phải lỗi người lao động. Ta cố gắng làm thế nào để người lao động đi làm việc, sau khi trở về không gặp khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, có những người vừa mới sang, chưa có thu nhập, thì lại phải quay về. Họ phải vay tiền để đi làm. Nhà nước sẽ chủ động giải quyết chính sách theo tinh thần không để người lao động gặp khó khăn và thiệt thòi. Tức là phải chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động. Chính phủ sẽ chỉ đạo giải quyết vấn đề này.

* PV: Sau sự việc này, chúng ta có thay đổi chính sách về việc đưa NLĐ sang các nước để xuất khẩu lao động?

- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Cứ theo luật để giải quyết. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bất khả kháng, có Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước được dùng cho việc hỗ trợ người lao động đi nước ngoài về.

* PV: Nguồn quỹ này có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?

* Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Hiện nay Quỹ mới chỉ hỗ trợ người lao động. Mục tiêu trước mắt là đưa lao động về nước an toàn. Còn tất cả những vấn đề khác sẽ giải quyết sau. Sau sự việc này, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Người lao động và doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Phải chia sẻ trách nhiệm và giải quyết đúng theo chính sách, pháp luật quy định..

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

PHÚC HẰNG (ghi)

Các tổ công tác liên ngành đi Tuynidi, Ai Cập, Manta hỗ trợ lao động Việt Nam di chuyển khỏi Lybia lên đường vào tối 28-2

Theo Phó trưởng phòng Quản lý Lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Xuân Tạo: 19h20 ngày 28-2, đã có thêm một chuyến bay đưa 40 lao động Việt Nam về nước. Đây là số lao động của Công ty Cổ phần Thương mại Phát triển Kỹ thuật và Nhân lực Quốc tế JVNET và Công ty Hợp tác lao động xuất khẩu Letco cung ứng. Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 985 lao động Việt Nam từ Lybia về nước an toàn.
Dự kiến, ngày 1-3, sẽ có thêm 270 lao động Việt Nam và ngày 2-3, sẽ có thêm 900 người từ Lybia về nước theo đường hàng không.

Ông Tạo cho biết thêm, đến hôm nay, 8.200 lao động Việt Nam đã có kế hoạch di dời, trong đó có 5.200 người đã di chuyển được đến các nước lân cận Lybia.
Cũng trong chiều 28-2, dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban chỉ đạo giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi về nước đã làm việc với các tổ công tác liên ngành đến các nước lân cận Lybia bổ sung nhân lực cho các cơ quan đại diện, trợ giúp các Đại sứ quán nắm tình hình, hỗ trợ lao động Việt Nam di chuyển an toàn. Theo đó, ba tổ công tác lên đường vào tối 28-2, là đoàn đi Tuynidi làm nhiệm vụ tiền phương do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng làm Trưởng đoàn dẫn đầu, đoàn đi Ai Cập do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa làm Trưởng đoàn, đoàn đi Manta do Trưởng phòng Quản lý lao động ngoài nước (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Bá Hải làm Trưởng đoàn.

Trước đó, đoàn đi Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát tối 26-2, đã đến nơi, bắt tay vào công việc. Dự kiến, đoàn đi Hy Lạp sẽ đi vào ngày 2-3.

Chuyến chuyên cơ Boeing 777 tiếp tế 8 tấn lương thực, thực phẩm và đón 300 lao động Việt Nam đang tập kết tại Ai Cập về nước cũng sẽ xuất phát vào đêm 28-2.

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết