06/08/2009 - 22:11

Một nhà sư hết lòng vì người nghèo

Sư Thích Nguyên Ngọc, đại đức trụ trì chùa Long Hòa, Phó Ban đại diện Phật giáo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trà Cú, được nhiều người dân nghèo ở huyện Trà Cú và các huyện lân cận trong tỉnh Trà Vinh xem như ông bụt. Thời gian qua, biết được người nghèo nào bệnh nặng, không tiền chuyển viện tuyến trên, sư lập tức thuê xe, hỗ trợ tiền chuyển viện trị bệnh. Sư còn tham gia cất nhà tình thương, làm cây nước cho người nghèo. Nơi nào đường sá lầy lội, sư hỗ trợ tiền làm cầu, đường. Tại chùa, sư xây một phòng khám, mời bác sĩ về khám bệnh, cấp thuốc cho bệnh nhân. Sư còn mua ô tô làm phương tiện đưa bệnh nhân nặng đi cấp cứu...

Một ngày cuối tháng 7-2009, chúng tôi đến chùa Long Hòa, tại khóm 5, thị trấn Trà Cú, gặp sư Nguyên Ngọc lúc sư vừa đi ấp Trà Tro (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú) về. Sư đến đó bàn bạc cùng chính quyền địa phương về các thủ tục cần thiết để xây cầu bê-tông cốt thép trị giá khoảng 50 triệu đồng để người dân đi lại tiện lợi. Hớp một ngụm nước trà, sư Nguyên Ngọc nói giọng nhẹ nhàng: “Nhà nước bây giờ lo cho dân nghèo nhiều lắm. Dù vậy, vẫn còn nhiều trường hợp bà con khó khăn, vì bệnh tật. Sư từng sống côi cút, nghèo khổ, giờ tu hành có điều kiện thì vận động mạnh thường quân giúp bà con nghèo để giảm bớt gánh nặng cho chính quyền, cho xã hội”.

Sư Nguyên Ngọc đến thăm hỏi sức khỏe các bệnh nhân
đến khám bệnh tại phòng khám từ thiện chùa Long Hòa. 

Sư Nguyên Ngọc (tên thật Lâm Văn Hoàng) sinh năm 1958 tại thị trấn Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Năm 7 tuổi, cha mất, cậu bé Lâm Văn Hoàng sống với nội, mẹ. Những lần theo bà nội vào chùa đốt nhang cúng viếng, Hoàng thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản khi nghe tiếng tụng kinh của các thầy. Tuy nhỏ tuổi, nhưng Hoàng đã thích vào chùa để được nghe tụng kinh, niệm Phật. 13 tuổi, sau khi được ông bà nội, mẹ cho phép, Lâm Văn Hoàng vào chùa Long Hòa xin xuất gia, lấy pháp danh Nguyên Ngọc. Từ sau giải phóng, sư Nguyên Ngọc làm giám tự chùa và làm trụ trì khoảng 10 năm nay. Trong tâm niệm của sư Nguyên Ngọc, khi xây dựng chùa xong sẽ làm từ thiện giúp người nghèo. Qua vận động, được các mạnh thường quân và bà con Việt kiều hỗ trợ kinh phí, sư Nguyên Ngọc xây dựng chùa Long Hòa thành một cơ sở thờ tự khang trang. Cái tâm của những người sống hướng thiện gặp nhau, sau khi hỗ trợ tiền xây chùa, các mạnh thường quân tiếp tục gửi tiền cho chùa làm công tác từ thiện. Sư Nguyên Ngọc nhận làm cầu nối lo việc giúp người nghèo, làm các công trình xã hội tại địa phương. Từ đầu năm 2007 đến nay, sư Nguyên Ngọc đã vận động được gần 3 tỉ đồng để giúp người nghèo ở các huyện Trà Cú, Cầu Kè, Tiểu Cần và làm rất nhiều công trình phúc lợi.

Đáng kể nhất là từ vận động của sư Nguyên Ngọc, các mạnh thường quân hỗ trợ số tiền 422 triệu đồng giúp đỡ 346 hộ nghèo trong huyện mua tre lá sửa nhà chống dột vào mùa mưa. Bên cạnh đó, sư còn vận động hỗ trợ người dân nghèo xây dựng 8 căn nhà đại đoàn kết trị giá gần 150 triệu đồng. Chúng tôi đến thăm bà Lê Thị Tư (thị trấn Trà Cú), vợ thương binh Diệp Ngọc Nhã, đang sống trong căn nhà tình thương do sư Nguyên Ngọc hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng hoàn thành cuối tháng 6-2009. Ngồi trong căn nhà mới xây tường kiên cố, bà Tư vui mừng nói: “Từ nay, cả gia đình tôi gồm các con, cháu gần 10 thành viên không còn sống cảnh nhà trống trước hở sau nữa. Không chỉ tôi, sư Nguyên Ngọc còn giúp đỡ xây dựng nhà cửa, gạo tiền cho rất nhiều hộ nghèo ở đây”. Đi làm công tác xã hội ở vùng sâu, gặp nhiều nơi vào mùa nắng người dân không có nước sinh hoạt, sư Nguyên Ngọc liền vận động mạnh thường quân hỗ trợ trên 350 triệu đồng để xây dựng 175 giếng nước bơm tay, giúp khoảng 1.500 hộ dân có nước sạch sinh hoạt. Biết sư Nguyên Ngọc quan tâm công tác từ thiện xã hội, chính quyền địa phương các xã vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống thường liên hệ với sư đề nghị hỗ trợ xây cầu, đường nông thôn. Đến nay, sư đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ các địa phương xây dựng 16 cầu bê-tông, 5 tuyến đường đan, với tổng số tiền trên 750 triệu đồng. Nhằm giúp các hộ nghèo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, sư Nguyên Ngọc tổ chức nhiều đợt tặng quà (trên 2.000 phần quà) cho hộ nghèo, tổng trị giá 150 triệu đồng. Trong năm học 2008 - 2009, sư Nguyên Ngọc nhận đỡ đầu 11 học sinh, hỗ trợ mỗi em 1 suất học bổng 300.000 đồng/năm.

Sư Nguyên Ngọc còn quan tâm giúp đỡ bệnh nhân nghèo trị bệnh. Từ năm 2007 đến nay, sư giúp cho gần 100 bệnh nhân nghèo chuyển viện và số tiền trị bệnh trên 100 triệu đồng. Trong đó, có nhiều trường hợp người nghèo bệnh nặng nhưng do bệnh viện huyện không đủ phương tiện vận chuyển, sư lập tức đến thuê xe bên ngoài và cho thêm tiền để bệnh nhân trị bệnh.

Không dừng lại ở việc giúp đỡ bệnh nhân nghèo có điều kiện trị bệnh, cuối năm 2007, sư Nguyên Ngọc vận động được số tiền trên 200 triệu đồng để xây dựng phòng khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Sư Nguyên Ngọc đã mời bác sĩ Ngô Xuân Việt, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Trà Cú và y sĩ Chung Nhàm đang công tác tại Bệnh viện huyện Trà Cú đến làm việc tại phòng khám. Bác sĩ Ngô Xuân Việt và y sĩ Chung Nhàm đã tình nguyện đến khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân, chỉ nhận phần hỗ trợ tiền xăng đi về. Bình quân mỗi ngày phòng khám bệnh từ thiện của chùa Long Hòa khám, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 30 bệnh nhân. Số tiền thuốc cấp miễn phí cho người dân mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng. Đối với bệnh nhân nặng, bác sĩ phòng khám làm giấy chuyển về bệnh viện tuyến trên điều trị. Để có thể kịp thời đưa các bệnh nhân nặng về tuyến trên, đầu năm 2009, sư Nguyên Ngọc đã vận động các mạnh thường quân góp tiền mua 1 chiếc xe Toyota 14 chỗ để tại chùa. 3 tài xế ở thị trấn Trà Cú đăng ký lái xe miễn phí sẵn sàng chở bệnh nhân về bệnh viện tỉnh khi được sư gọi.

Hiện tại, sư Nguyên Ngọc đang nhận nuôi 6 cụ già neo đơn trên địa bàn huyện, hàng tháng trợ cấp cho mỗi cụ 15 - 20 kg gạo, 100.000 đồng tiền thức ăn. Sư Nguyên Ngọc mong ước tiếp tục vận động mạnh thường quân quyên góp tiền để xây một nhà dưỡng lão trong khu vực chùa Long Hòa, để nhận khoảng 50 ông bà cụ neo đơn về chăm sóc. Tấm lòng nhân ái của sư Nguyên Ngọc thật đẹp thay, người đã thấu hiểu và hết lòng chia sẻ khổ đau, bệnh tật với người nghèo. Sư đã nêu gương sáng về mục đích tu hành: tốt đời, đẹp đạo.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết