15/11/2009 - 12:07

Một mũi tên bắn hai con chim !

Ở Trường Trung học Bezorak nơi Aabdul Kabir đang giảng dạy, chỉ có anh và 2 đồng nghiệp nữa là có bằng tốt nghiệp đại học.
Ảnh: Csmonitor

Hôm nay (15-11), khoảng 42.000 giáo viên trên khắp Afghanistan sẽ tham dự kỳ thi kiểm tra trình độ năng lực chuyên môn. Những ai đạt điểm cao sẽ được chính phủ xét nâng lương vào đầu năm học tới (22-3-2010). Cuộc sát hạch trình độ giáo viên lần đầu tiên này thực sự là một đại thách thức đối với nền giáo dục Afghanistan khi mà có đến 75% giáo viên chưa học xong lớp 12.

Với đồng lương khiêm tốn, phần đông giáo viên ở Afghanistan phải làm thêm nghề tay trái mới đủ sống. Đó là lý do hầu hết dân có trình độ học vấn đều né tránh nghề gõ đầu trẻ. Với ngân sách hạn hẹp, chính phủ Afghanistan không có khả năng chi trả lương cao hơn cho giáo viên trong khi các nhà tài trợ quốc tế chưa mạnh tay rót tiền cho nền giáo dục nước này khi mà trình độ năng lực của giáo viên vẫn là một ẩn số.

Cải thiện trình độ và cuộc sống của đội ngũ giáo viên được cho là chìa khóa giúp tái lập hòa bình ở Afghanistan – không chỉ ở khía cạnh tạo cơ hội phát triển kinh tế lâu dài cho thế hệ kế tiếp. Tại đất nước triền miên khói lửa suốt 2 thập niên qua này, giáo viên chiếm đến 2/3 lực lượng công chức và là cầu nối quan trọng giữa chính phủ với khu vực nông thôn. “Nếu đời sống của giáo viên dễ thở, họ sẽ nghĩ đến vai trò là một phần của chính phủ. Khi đó, họ góp phần giáo dục tư tưởng để mọi người không làm việc sai trái. Chính điều đó sẽ giúp cải thiện tình hình an ninh”, Sediq Amarkhil, phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Afghanistan, nhận định.

Trường Trung học Bezorak thuộc tỉnh Panjshir (Đông Bắc Afghanistan) có cả thảy 35 giáo viên đứng lớp nhưng chỉ 3 người có trình độ đại học. Một người trong số đó là thầy giáo Abdul Kabir. “Với 1.200 học sinh theo học ở đây, đội ngũ giáo viên trình độ thấp như vậy chẳng khác nào “người mù dắt người mù”, Abdul chua chát nhận xét. Theo anh, với mức lương không đủ nuôi gia đình (104 USD (1,86 triệu đồng)/tháng đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung học và 94 USD (1,68 triệu đồng)/tháng đối với người chưa học xong 12), việc nhiều giáo viên không mặn mà với nghề là điều không quá khó lý giải.

Sau khi chế độ Taliban sụp đổ năm 2001, cộng đồng quốc tế nỗ lực đưa trẻ em Afghanistan, đặc biệt là các bé gái, trở lại học đường. Số học sinh đến trường từ 1,1 triệu năm 2001 tăng lên 6,8 triệu hiện nay trong khi số giáo viên cũng tăng lên hơn 160.000 người từ mức 20.000. Tuy nhiên, số giáo viên có năng lực trình độ lại không nhiều, điều này cho thấy tiêu chuẩn tuyển chọn giáo viên không cao – Mostaeem Jouya, chuyên gia về giáo dục ở Afghanistan của Ngân hàng Thế giới, nhận xét. “Không ít giáo viên chỉ đến lớp nửa buổi, thời gian còn lại họ ra ngoài làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống”. Theo Mostaeen, các nhà tài trợ quốc tế nhận thấy rằng muốn nâng cao chất lượng giáo dục ở Afghanistan, trước tiên phải giải quyết bài toán thu nhập của giáo viên, và lương phải được trả theo trình độ năng lực của người thầy.

Việc Bộ Giáo dục Afghanistan lần đầu tiên tổ chức tổng kiểm tra trình độ giáo viên toàn quốc được ví như một mũi tên bắn hai con chim: vừa nhằm thu hút nguồn tài trợ nước ngoài để tái thiết nền giáo dục vừa giúp nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên nước nhà.

QUỐC CHÂU (Theo Csmonitor)

Bài thi gồm các phần: kiến thức tổng quát, phương pháp giảng dạy và năng lực chuyên môn. Ngoài điểm thi, việc xét nâng lương từ 120 USD (2,14 triệu đồng) lên 480 USD (8,6 triệu đồng) còn dựa trên thâm niên công tác và trình độ giáo dục. 42.000 giáo viên là những người có trình độ ít nhất từ bậc cao đẳng trở lên. Hơn 120.000 người còn lại sẽ được tổ chức thi sau. Trong kỳ thi này, những giáo viên nào không đạt yêu cầu sẽ phải học các lớp chuẩn hóa.


Ở Trường Trung học Bezorak nơi Aabdul Kabir đang giảng dạy, chỉ có anh và 2 đồng nghiệp nữa là có bằng tốt nghi

Chia sẻ bài viết