MAI QUYÊN (Theo Nikkei, CNA)
Trong thập kỷ qua, trung tâm quyền lực thế giới đã chuyển từ châu Âu sang Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Vì thế, Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cũng tăng cường liên minh với các đối tác hiện có trong khu vực và phát triển mối quan hệ mới. Liên minh quân sự hiểu rõ diễn biến ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương liên quan rất lớn đến an ninh toàn cầu, cũng như có ảnh hưởng trực tiếp đến các nước châu Âu và Bắc Mỹ.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và các nhà lãnh đạo AP4 tại cuộc họp thượng đỉnh ở Litva. Ảnh: Yonhap
Các nhà phân tích chính sách đã tranh luận về giá trị và hệ quả của mức độ hiện diện của NATO ở châu Á. Theo một đánh giá, xu hướng này không đồng nghĩa mở rộng tư cách thành viên NATO và phòng thủ tập thể ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Thay vào đó, sức mạnh của khối cần thể hiện dựa trên những mục tiêu, cơ hội và cam kết với các đối tác. Ðiều đó đã được hiện thực hóa trong vài năm trở lại đây khi 3 thành viên Vành đai Thái Bình Dương là Mỹ, Canada và Pháp tăng cường xem xét bản chất và phương hướng các mối quan hệ hợp tác an ninh song phương với 4 đối tác châu Á - Thái Bình Dương (AP4, gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc). Tương tự, các đối tác nói trên cũng cân nhắc cách hỗ trợ và hợp tác tốt nhất với NATO.
Một lĩnh vực mà lợi ích địa chiến lược của NATO và nhóm đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương ngày càng giao thoa là thương mại hàng hải toàn cầu. Ðây là mạng lưới không ai sở hữu nhưng tất cả đều được hưởng lợi, cũng như chỉ có thể hoạt động hiệu quả dựa trên các quy tắc và nỗ lực hợp tác của cộng đồng quốc tế. Trong đó, một trật tự ổn định dựa trên luật lệ quốc tế ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương (bao gồm cả Biển Ðông) có ý nghĩa quan trọng với các thành viên NATO.
Yếu tố khác thúc đẩy NATO tiến sang châu Á là sự gia tăng tài sản quân sự và chi tiêu quốc phòng ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh nhiều bên đưa ra yêu sách lãnh thổ trên biển; tranh chấp và khủng hoảng hạt nhân đang âm ỉ nhưng chưa được giải quyết trong khu vực.
Sau Hội nghị thượng đỉnh ở Litva mới đây, các nước thành viên NATO trong thông cáo chung đã chỉ trích “chính sách cưỡng chế” và nỗ lực “phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” của Trung Quốc. Tuyên bố cũng nhấn mạnh những hành vi của Bắc Kinh nhằm kiểm soát các ngành và cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng quan trọng; đồng thời tạo ra sự phụ thuộc chiến lược. Trong khi trọng tâm truyền thống của NATO là Nga, nội dung của thông cáo về Trung Quốc cho thấy sự đồng thuận giữa các thành viên NATO và các đối tác châu Á về năng lực và tham vọng lãnh thổ ngày càng tăng của Trung Quốc.
Rõ ràng khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đang trở thành sân khấu cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, không chỉ là quân sự hay kinh tế mà còn về tầm nhìn đối với trật tự thế giới. Trên tất cả, mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ quyết định triển vọng cho an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Bối cảnh trên đòi hỏi NATO phải thiết lập mối quan hệ sâu sắc với các đối tác ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.