06/08/2022 - 20:37

Mối quan hệ phức tạp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ 

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 5-8 đã có chuyến thăm Nga và hội đàm với lãnh đạo nước chủ nhà Vladimir Putin tại thành phố Sochi trên bờ Biển Ðen. Ðây là chuyến thăm đầu tiên của vị nguyên thủ quốc gia thành viên NATO tới Nga sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine diễn ra. Ðiều đáng chú ý là cuộc gặp gần nhất giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ mới diễn ra cách đây 2 tuần tại Iran để giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Vậy lý do gì khiến ông Erdogan gặp Tổng thống Putin vào lúc này?

 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp hôm 5-8. Ảnh: AP

Cả 2 ông Erdogan và Putin đều là nhà lãnh đạo lâu năm của 2 nước, có mối quan hệ cá nhân thân thiết. Ðài Al Jazeera cho biết chuyến công du hôm 5-8 là lần thứ 8 ông Erdogan thăm Nga kể từ năm 2019.

Vừa hợp tác vừa kiểm soát bất đồng

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có mục tiêu và lợi ích khác biệt tại Syria, Libya và vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh, nơi tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan. Chẳng hạn tại Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015 từng bắn hạ 1 chiến đấu cơ của Nga xâm phạm không phận và gây ra khủng hoảng quan hệ 2 nước. Tuy nhiên chưa đầy 1 năm sau, ông Putin lại ủng hộ Tổng thống Erdogan khi nhà lãnh đạo này bị một cuộc đảo chính bất thành. Thế nên, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga bất chấp sự phản ứng quyết liệt của đồng minh Mỹ.

Ngay trong vấn đề Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhưng không thống nhất các biện pháp cấm vận của phương Tây nhằm vào Mát-xcơ-va. Ðiều này dễ hiểu khi Ankara có mối quan hệ tốt với Kiev, từng phản đối Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Trong khi đó, khí đốt thiên nhiên của Nga chiếm đến 45% lượng khí đốt nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái. Nga cũng đáp ứng 56% lượng ngũ cốc nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2021 với giá trị 2,24 tỉ USD, so với 861 triệu USD giá trị ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine.

Tại cuộc hội đàm hôm 5-8, Tổng thống Putin đặc biệt nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của đường ống khí đốt Turk Stream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ), cho rằng đây là “một trong những huyết mạch quan trọng nhất để cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu”.

Về phần mình, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới và kêu gọi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Ông Erdogan cho biết cuộc hội đàm với Tổng thống Putin lần này có thể “mở ra trang mới khác biệt trong quan hệ song phương”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu trị giá 20 tỉ USD do Tập đoàn Rosatom của Nga thực hiện rất quan trọng đối với Ankara và cần phải tiến hành dự án đúng theo tiến độ đề ra. Dự kiến nhà máy này sẽ được khởi động vào năm tới và sẽ sản xuất khoảng 35 tỉ killowatt giờ mỗi năm, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ điện của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng liên quan đến hợp tác năng lượng, lãnh đạo 2 nước nhất trí Nga sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 26 tỉ m3 khí đốt mỗi năm, và một phần sẽ được thanh toán bằng đồng ruble Nga. Hai bên cũng cam kết thúc đẩy hợp tác vận tải, nông nghiệp, tài chính và công nghiệp xây dựng.

Hai nước còn tiến xa hơn

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng có nhiều hồ sơ liên quan phức tạp và các vấn đề này đều gắn với lợi ích cả về kinh tế, chính trị, quân sự cũng như ảnh hưởng ở Trung Ðông, châu Âu. Quan hệ này được cải thiện càng mang lại nhiều lợi ích cho cả 2, nhất là trong bối cảnh Nga đang chịu sức ép và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần có Nga để đảm bảo an ninh, cân bằng đối trọng với Mỹ và châu Âu, cải thiện kinh tế trong bối cảnh lạm phát gia tăng, đồng lira mất giá, sự ủng hộ của cử tri giảm sút. Phe đối lập phản đối ông Erdogan tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 6-2023. Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ 2 thập niên qua, khi tỷ lệ lạm phát hiện đã lên tới 79,6%.

Trong bối cảnh đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc) từ Nga qua Ðức bị cắt giảm công suất, đường ống Turk Stream từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung và Nam Âu thông qua Biển Ðen vẫn thông suốt. Phát biểu trong cuộc gặp ông Erdogan hôm 5-8, Tổng thống Putin nói rằng châu Âu nên cảm ơn Ankara vì đường ống khí đốt được đưa vào vận hành đầu năm 2020 nhằm giảm phụ thuộc vào đường ống đi qua Ukraine. Tất nhiên với đường ống này, Thổ Nhĩ Kỳ luôn được bảo đảm khí đốt từ Nga trong khi nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) đang chật vật cắt giảm tiêu thụ khí đốt vì thiếu nguồn cung giữa mùa đông lạnh giá.

Ði xa hơn, Tổng thống Erdogan hồi năm ngoái tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét tăng cường hợp tác với Nga trên lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, bao gồm phát triển chiến đấu cơ và tàu ngầm. Ngược lại, trong cuộc gặp với ông Erdogan tại Iran ngày 19-7, Tổng thống Putin đề nghị Nga được hợp tác với nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ. Baykar là nhà sản xuất và cung cấp những chiếc UAV Bayraktar TB2 cho Ukraine, qua đó giúp quân đội nước này ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công của Nga hồi đầu cuộc chiến.

Kể từ sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ luôn quyết tâm thể hiện vai trò trung gian hòa giải cân bằng giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Nga và phương Tây. Thành công gần nhất với vai trò này của Thổ Nhĩ Kỳ là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine đi qua Biển Đen hôm 22-7, được dư luận quốc tế đánh giá tích cực vì đã góp phần giải quyết mối đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.

Chia sẻ bài viết