07/10/2018 - 10:12

Mộc bản chùa Nam Nhã - một tư liệu quý! 

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Dịp tình cờ, chúng tôi được thầy Hồ Minh Phong, Trưởng Ban Trị sự Nam Nhã Phật Đường, giới thiệu về Mộc bản đang được lưu giữ tại chùa. Gần 100 Mộc bản với tuổi đời 1 thế kỷ, quả là “báu vật” hiếm hoi không chỉ của Cần Thơ mà cả miền Tây Nam bộ.

Nam Nhã Phật Đường, hay còn gọi là Nam Nhã Đường, chùa Nam Nhã, là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, tọa lạc trên địa bàn phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy. Chùa được lão sư Nguyễn Giác Nguyên sáng lập vào năm 1895, đến năm 1905 thì được tái thiết hoàn thiện và đến năm 1917 thì được tu bổ gần như nguyên trạng như ngày nay. Nam Nhã Đường là nơi hoạt động cách mạng của các sĩ phu yêu nước: Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Háo Vĩnh… và là nơi khởi phát phong trào Đông Du, do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, ở miền Tây Nam bộ.

Thầy Hồ Minh Phong, Trưởng Ban Trị sự Nam Nhã Đường, giới thiệu Mộc bản đang lưu giữ tại chùa. 

Nói qua một chút về Mộc bản, đây là một kiểu làm sách độc đáo, có nhiều vào thời nhà Nguyễn của nước ta. Mộc bản là những mảnh gỗ (thường là gỗ thị, nha đồng, mít, cẩm lai…) được nghệ nhân khắc chữ nổi, ngược lên bề mặt. Khi cần in, người dùng quét mực lên bề mặt Mộc bản rồi dùng giấy ịn lên và cán sát, đều. Vậy là tờ giấy hiển thị nội dung của Mộc bản.

Thầy Hồ Minh Phong, Trưởng Ban Trị sự Nam Nhã Đường, giới thiệu với chúng tôi từng miếng Mộc bản mà nhà chùa đang lưu giữ. Số lượng Mộc bản ở Nam Nhã Đường hiện có khoảng 100 miếng; trong đó, hơn 60 miếng còn sử dụng tốt và đang sử dụng. Số còn lại, đáng tiếc qua thời gian, đã bị mối mọt, hư hại. Khoảng 100 miếng Mộc bản này dùng để in khoảng 30 bộ sách, kinh: “Địa Mẫu Chơn Kinh”, “Bắc Đẩu Diên Thọ Diệu Kinh”, “Kim Cang Kinh luận”, “Động Huyền Bảo Sám”…

Theo thầy Hồ Minh Phong, Mộc bản của nhà chùa được cho khắc vào năm 1920, do những lão sư của nhà chùa thời ấy: Trần Vận Phát, Trương Vận Đạt… chủ trương. Thợ khắc được mời từ đất Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh) xuống khắc trong nhiều tháng liền. Loại gỗ dùng để khắc gồm 2 loại là mít và cẩm lai, trong đó phần nhiều là gỗ mít do đặc tính mềm dẻo của gỗ giúp thợ dễ khắc. “Theo lời các lão sư truyền lại, để hoàn thành việc khắc khoảng 100 trang giấy in (mỗi trang chừng từ 80-120 chữ), thợ khắc Mộc bản phải mất ít nhất 3 tháng ròng” - thầy Hồ Minh Phong cho biết. Một điểm thú vị là giữa những trang của Mộc bản có những hạt chuỗi. Chúng tôi được thầy Phong giải thích rằng, đó là những hạt cườm gạo, dùng để xâu chuỗi niệm kinh, các thầy dùng để đếm số lần Mộc bản được in ra. Có nghĩa, khe giữa 2 trang sách nào có nhiều hạt cườm gạo nhất thì đó là những trang sách cho số lần in ra nhiều nhất.

Mộc bản ở Chùa Nam Nhã có nét khắc rất đẹp và tinh tế. Chữ viết sau gần 100 năm vẫn rõ nét, sắc sảo y như mới. Đặc biệt, nhiều mảnh Mộc bản có khắc hoa văn, hình ảnh rất sống động, được in màu ra rất đẹp. Trên nhiều Mộc Bản còn ghi rõ “Bình Thủy - Nam Nhã Phật Đường”, điều này cho thấy vị thế học vấn và trình độ uyên thâm của đất và người Bình Thủy xưa. Nhiều trang sách, còn ghi ấn tống ở Bình Thủy, kiểu như “chỉ dẫn địa lý” muốn tìm bản gốc thì chỉ có ở Nam Nhã Đường mới có.

Một số sách, kinh được in ra từ Mộc bản dù mấy mươi năm vẫn rất rõ nét. 

Đánh giá về Mộc bản chùa Nam Nhã, thầy Hồ Minh Phong cho rằng có 3 giá trị cần được giới chuyên môn nghiên cứu sâu hơn để có những nhìn nhận thấu đáo. Thứ nhất, Mộc bản cho thấy vùng đất Long Tuyền - Bình Thủy trăm năm trước đã có nhiều tri thức, có học vấn cao bởi chỉ những đối tượng này mới có thể làm ra Mộc bản. Thứ 2, Mộc bản cho thấy trình độ thủ công chế tác, kỹ nghệ in ấn với việc khắc, xử lý gỗ, giấy… Thứ 3, Mộc bản cho thấy người dân Cần Thơ xưa, và cả Nam kỳ lục tỉnh rất quan tâm vấn đề học vấn, có nhu cầu về đọc sách. Dù bị Pháp đô hộ nhưng người Cần Thơ luôn ý thức tạo ra ấn bản để truyền bá thơ văn, kiến thức cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, hiện có 3 tư liệu Mộc bản đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO, gồm: Mộc bản Triều Nguyễn (hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt, Lâm Đồng), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và Mộc bản Trường Phúc Giang (thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn Huy tại Hà Tĩnh).

Hiện Mộc bản chùa Nam Nhã được bảo tồn tốt. Cứ 3 năm, nhà chùa lại thuê chuyên gia về để làm công tác bảo quản - gọi là ủ - để giữ Mộc bản lâu hơn. Thầy Hồ Minh Phong cho biết, Cục Văn thư lưu trữ, Viện Hán - Nôm từng nhiều lần đến nghiên cứu Mộc bản và đánh giá cao giá trị của những tư liệu này. Các đơn vị ngỏ ý muốn nhà chùa hiến một ít Mộc bản để về trưng bày nhưng nhà chùa từ chối vì Mộc bản vẫn đang được sử dụng trong in kinh, sách.

Mộc bản là loại tư liệu quý trong lịch sử Việt Nam, phổ biến ở miền Trung và miền Bắc nhưng khu vực miền Tây Nam bộ thì rất hiếm hoi. Mộc bản chùa Nam Nhã là một tư liệu quý. Thiết nghĩ, ngành chức năng TP Cần Thơ cần sớm vào cuộc nghiên cứu, đánh giá chính xác giá trị của những Mộc bản này để có hướng bảo tồn và phát huy.

Chia sẻ bài viết