07/07/2020 - 09:19

Mổ nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm tại Cần Thơ 

Bệnh viện (BV) Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ vừa triển khai kỹ thuật nội soi điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm. Đây là đơn vị tiên phong và duy nhất hiện nay tại ĐBSCL triển khai kỹ thuật cao này, giúp người bệnh giảm bớt nỗi sợ của các cuộc phẫu thuật mổ mở như trước đây.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đầu tiên được mổ nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm.

Anh Ð.M.H (44 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) là một trong những bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm tại Cần Thơ. Ca mổ thực hiện đêm hôm trước thì sáng hôm sau anh đã ngồi dậy đi lại, sinh hoạt bình thường và xuất viện ngày thứ 3 sau mổ. Khi chưa mổ, gần 2 tuần anh H phải nằm trên giường chịu đựng các cơn đau và tê nhức ngày càng tăng, bước xuống giường đi vài bước chân bị co giật, khuỵu gục trên sàn nhà. Gia đình đưa bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại BV Trường ÐHYD Cần Thơ, bác sĩ tư vấn phương pháp mới triển khai, bệnh nhân yên tâm điều trị.

“Sau phẫu thuật, tôi thấy giảm nhẹ khoảng 80% tình trạng bệnh”- anh H chia sẻ. Anh H làm nghề tài xế gần 20 năm. Tác hại của bệnh nghề nghiệp khiến anh H thường xuyên đau nhức lưng. Từ 2 năm trước, phát hiện bị thoát vị đĩa đệm, anh đi điều trị ở nhiều nơi, tốn kém, chích thuốc giảm đau ở bác sĩ tư nhưng không dám phẫu thuật vì sợ mổ rồi “liệt luôn, phải nằm một chỗ hay ngồi xe lăn thì không thể tiếp tục làm việc để nuôi vợ con”. 

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Lê Hoan, Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình – thần kinh BV Trường ÐHYD Cần Thơ, cho biết: Qua thăm khám và kết quả chụp MRI cho thấy bệnh nhân thoát vị đĩa đệm L5/S1 cạnh trung tâm gây chèn ép rễ thần kinh S1 bên trái. Ê-kíp phẫu thuật lấy nhân đệm bằng kỹ thuật nội soi qua 2 trocar cạnh gai sống với sự hỗ trợ của hệ thống C-arm. Ðây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện tại khu vực ÐBSCL. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân sau khi xuất viện, về nhà cần mang đai khi vận động để giữ vững tư thế lưng, hạn chế làm công việc nặng nhọc hay ngồi lâu, khom lưng để giảm bớt tiến trình thoái hóa của cột sống, gây tái phát bệnh. Khi có triệu chứng đau lưng, tê chân cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám sớm để được điều trị kịp thời, đúng cách. 

Dì D.T.T (52 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng) cũng là một trong hai bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm tại BV Trường ÐHYD  Cần Thơ. Dì T đau lưng lan xuống một bên chân khoảng nửa năm nay, đi điều trị nhiều nơi không giảm. Khi đến khám và nhập viện BV Trường ÐHYD Cần Thơ, bác sĩ chẩn đoán dì T thoát vị đĩa đệm L5-S1 có chèn ép rễ thần kinh. Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Duy Linh và ê- kíp mổ lấy nhân đĩa đệm qua nội soi bằng 1 lỗ trocar. Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Duy Linh, phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm đạt hiệu quả điều trị cao, xâm lấn tối thiểu, ít gây tổn thương phần mềm xung quanh, ít chảy máu nên hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, ít đau và biến chứng. Bệnh nhân phục hồi nhanh và sớm hòa nhập trở lại cuộc sống.

Theo các bác sĩ, thoát vị đĩa đệm cột sống là bệnh phổ biến hiện nay, người dân thường tự đi khám và uống thuốc nhiều nơi mà không đến bác sĩ chuyên khoa nên tình trạng bệnh ngày càng xấu đi và khó điều trị. Ðể lâu ngày, bệnh có thể gây teo cơ chân, đi lại yếu, thậm chí liệt và bí tiểu. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm trong giai đoạn sớm dễ dàng hơn. Kỹ thuật mổ nội soi được triển khai, đem lại nhiều lợi ích hơn như vết mổ cực kỳ nhỏ (<1cm), ít đau, có thể ra về 1 ngày sau mổ. Chỉ định mổ nội soi thoát vị đĩa đệm khi bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đau 1 bên chân, trên hình ảnh chụp cột sống phù hợp với triệu chứng đau của bệnh nhân và không có các bệnh khác ở cột sống gây đau, cột sống của bệnh nhân không bị mất vững.

Nếu như trước đây, những trường hợp gãy cột sống, mất vững cột sống có chỉ định phẫu thuật đặt dụng cụ thường phải mổ mở với đường mổ dài, bóc tách rộng thì nay được áp dụng kỹ thuật bắt ốc qua da dưới hướng dẫn của C.arm đạt kết quả tốt, bệnh nhân đau ít, phục hồi vận động sớm. Trường hợp bác N.V.A (61 tuổi) nhập viện vì bị té từ trên cao, bác sĩ chẩn đoán gãy lún nhiều mảnh cột sống thắt lưng. Bệnh nhân được chỉ định mổ đặt ốc chân cung qua da. Sau mổ 1 ngày bệnh nhân có thể ngồi và tập đi từ ngày thứ hai. 

Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thành Tấn, Phó Giám đốc BV Trường ÐHYD Cần Thơ, chia sẻ: Thời gian qua, BV tiên phong triển khai nhiều kỹ thuật mới với mong muốn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân đồng bằng. Trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý cột sống, nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới đã được triển khai như cố định ốc chân cung qua da, lấy nhân đệm nội soi, bơm xi măng tạo hình thân sống... Tất cả các kỹ thuật này đã được Bộ Y tế phê duyệt và được thanh toán bảo hiểm y tế. Sắp tới, BV tiếp tục triển khai các kỹ thuật can thiệp tối thiểu như thay đĩa đệm qua nội soi kết hợp cố định ốc chân cung qua da và nhiều kỹ thuật khác phục vụ người bệnh.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết